| Hotline: 0983.970.780

Hơn ba thập kỷ giữ lửa nghề y: [Bài 1] 'Nếu ngày ấy không có bác sĩ Tùng…'

Thứ Sáu 18/07/2025 , 20:41 (GMT+7)

Gần 30 năm trôi qua, chị Sái Thị Mến vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhớ về người bác sĩ đã giành lại chị từ tay tử thần trong gang tấc - bác sĩ Hà Hữu Tùng.

Người thắp lên ánh sáng hy vọng cuối cùng cho bệnh nhân

Giữa bộn bề của cuộc sống và dòng chảy vô tận của thời gian, có những cơ duyên để con người ta gặp nhau. Có khi là phút chốc lướt qua trong đời, cũng có khi là cuộc gặp định mệnh, nơi một người tuyệt vọng tìm thấy chốn nương tựa, còn một người thầy thuốc lặng lẽ dang tay giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Những cuộc gặp ấy không sắp đặt trước, không báo hiệu bằng lời nhưng lại diễn ra đúng lúc nhất, ở nơi cần nhất như thể sự sống, bằng một cách nào đó, vẫn luôn biết tìm về nơi nó được nâng niu và gìn giữ. Những cuộc gặp gỡ không đơn thuần là định mệnh mà là những dấu gạch nối của sự sống, nơi một người thầy thuốc không chỉ chữa lành thân thể mà còn thắp lên ánh sáng  hy vọng cuối cùng cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Bảo Thắng.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Bảo Thắng.

Với nhiều bệnh nhân từng được PGS.TS. Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, trực tiếp thăm khám, ký ức về những ngày tháng nằm viện bao gồm cả những hồi ức ấm nóng, chan chứa lòng biết ơn về một người bác sĩ tận tâm, lặng lẽ, kiên cường không đầu hàng trước sự rình rập, trực chờ cướp đi bệnh nhân của tử thần.

Câu chuyện của chị Sái Thị Mến (sinh năm 1983, xã Lạc Đạo, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũ) là một trong những mảnh ghép xúc động nhất về điều đó.

Ngày còn trẻ, trong một lần đi hái rau cho lợn ngoài vườn, chị bị kim đâm vào chân. Vết thương nhỏ bé tưởng chừng vô hại lại nhanh chóng biến thành nhiễm trùng nặng, rồi uốn ván. Vai gáy cứng đờ, đầu đau như búa bổ, chị không còn đứng dậy được. Người nhà cuống cuồng đưa đi cấp cứu. Khi xe cấp cứu chuyển bánh đưa chị lên Bệnh viện Nhi Trung ương, cô bé 13 tuổi ấy đã bắt đầu bất tỉnh, mê man và co giật.

“Nghe lời kể của người thân thì tình hình của tôi thời điểm đó càng ngày càng nặng. Lúc đó thiết bị y tế cũng thiếu thốn nên các bác sĩ không cứu chữa được nữa. Gia đình xin cho tôi về… để chờ chết”, chị Mến kể.

Vốn xuất thân là một bác sĩ chuyên khoa Nhi, bác sĩ Tùng luôn dành tình cảm đặc biệt cho những bệnh nhân nhỏ tuổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Vốn xuất thân là một bác sĩ chuyên khoa Nhi, bác sĩ Tùng luôn dành tình cảm đặc biệt cho những bệnh nhân nhỏ tuổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Trong giờ phút dường như mọi cánh cửa hi vọng đã đóng lại, một người bác sĩ trẻ (lúc ấy mới 7 năm vào nghề) - bác sĩ Hà Hữu Tùng - đã biết được trường hợp của chị. Ông đề nghị chuyển chị về Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, lúc ấy vẫn chỉ là vài dãy nhà cấp 4 lụp xụp, thiết bị đơn sơ, thiếu thốn. Không máy móc hiện đại, không ê-kíp chuyên sâu. Chỉ có niềm tin, lòng tận tụy và lời cam kết gan ruột của một người thầy thuốc: “Còn nước còn tát”.

Những ngày đầu điều trị, bác sĩ Tùng cùng đồng nghiệp chỉ có thể dùng thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật để giữ mạng sống cho chị. Sau hai ngày, họ phải lôi từ kho ra một chiếc máy thở cũ kỹ, thậm chí chưa từng được dùng bao giờ, để hỗ trợ hô hấp.

“Tim tôi lúc đó yếu lắm, có lúc như đã tắt. Người nhà đã tính đến chuyện đưa về,” chị Mến kể. Người bác ruột của chị, không nỡ nhìn cháu ra đi trong bệnh viện nên đã khuyên: “Ở quê nhiều người cũng bị uốn ván như thế rồi, có cứu được đâu. Đưa đi cấp cứu xong cũng đều chết cả. Đã không có hy vọng gì thì chẳng thà cho cháu nó về rồi được chết ở nhà còn hơn.”

Lời nói như nhát dao lạnh lùng, sắc lẹm cắt đứt hy vọng cuối cùng của người nhà chị Mến. Người mẹ, trong cơn tuyệt vọng, chỉ biết nuốt nước mắt và lặng lẽ rải sẵn một tấm áo mưa, chuẩn bị cho việc rút máy thở, bọc con gái để mang về.

Nhưng bác sĩ Hà Hữu Tùng không cho phép điều đó xảy ra. Ông và đội ngũ y bác sĩ kiên quyết từ chối rút máy: “Còn nước còn tát. Chúng tôi chưa đầu hàng. Còn hơi thở là còn sống”.

Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Mạch chị đập trở lại. Sự sống mỏng manh bắt đầu le lói. Một tuần sau, chị được mở khí quản để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Rồi cứ thế, chị tỉnh lại. Bắt đầu tập nói, tập đi.

“Tôi bị cứng hàm không nói được. Nằm một chỗ lâu nên chân tay cũng teo lại, phải tập đi từng bước, tập nói từng câu… Thế nhưng quan trọng hơn cả là tôi đã được cứu sống và được ra viện”, chị hồi tưởng trong dòng nước mắt lăn dài trên má.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng tặng quà cho một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng tặng quà cho một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Gần 30 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện về lần “thập tử nhất sinh” ấy, cảm xúc trong chị lại ùa về nguyên vẹn như thể chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua. Những ký ức cũ, ánh đèn vàng nhòe mờ trong căn phòng bệnh, tiếng máy thở kêu đều đều, bàn tay run run của mẹ nắm lấy tay chị… tất cả như vẫn còn đó.

“Nếu không có bác sĩ Tùng, tôi đã chẳng còn được ngồi đây mà kể lại”. Bằng tất cả sự xúc động và biết ơn, với chị Mến, ký ức ấy không chỉ là một lần chiến thắng tử thần mà còn là lần đầu tiên trong đời cảm nhận được điều kỳ diệu từ lòng tận tâm của người thầy thuốc.

Trong hành lang trắng tinh của bệnh viện hôm nay, giữa những bước chân của các bác sĩ trẻ, vẫn còn đó bóng dáng người bác sĩ năm ấy, người đã không cho phép sự sống vuột đi.

Một đêm trực, 3 bệnh nhân ra đi và nỗi ám ảnh suốt một đời

Nhớ lại khoảnh khắc gần 30 năm về trước, bác sĩ Hà Hữu Tùng vẫn còn vẹn nguyên cảm giác nghẹt thở khi phải níu giữ sự sống mong manh của một bé gái nhỏ bị uốn ván nặng. Đó là một trong những ca bệnh đầu tiên ông phải giành giật với tử thần trong hoàn cảnh gần như trắng tay: không máy móc hiện đại, không thiết bị hỗ trợ tối tân, mọi đánh giá đều dựa vào kinh nghiệm, vào ánh mắt quan sát lâm sàng và trực giác nghề nghiệp. Ông vừa điều trị, vừa phải chạy đi tham vấn các thầy, những bậc tiền bối đã truyền cho ông lòng tin rằng “còn nước còn tát”.

Với người thầy thuốc, việc kéo bệnh nhân về với cuộc sống từ lằn ranh sinh tử luôn là điều ám ảnh họ cả đời. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với người thầy thuốc, việc kéo bệnh nhân về với cuộc sống từ lằn ranh sinh tử luôn là điều ám ảnh họ cả đời. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nỗi ám ảnh về mất mát khắc nên những vết sẹo không thể mờ trong tâm trí bác sĩ Hà Hữu Tùng. Thế nhưng những vết sẹo ấy không làm ông gục ngã mà đã trở thành ngọn lửa thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, học hỏi, phấn đấu để nâng cao năng lực chuyên môn, để không còn bệnh nhân nào phải ra đi...

Khoảnh khắc bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại, hơi thở dần đều và phản xạ sống le lói, với ông, không có phép màu nào lớn hơn thế. Khi bệnh nhân tỉnh lại, cả gia đình òa khóc, ôm chặt các bác sĩ, nước mắt thay cho lời cảm ơn.

Đó là lần đầu tiên ông cảm nhận sâu sắc thế nào là hạnh phúc của người thầy thuốc. Không chỉ là cứu một mạng người mà còn là cứu cả một gia đình khỏi nỗi mất mát tưởng như không thể tránh khỏi.

“Giờ mà xảy ra ca như vậy thì đơn giản lắm. Vì mình có máy móc, có thuốc, có chỉ định rõ ràng. Còn ngày ấy, thiếu thốn trăm bề, mỗi quyết định đều như một lần đánh cược với sự sống”, bác sĩ Hà Hữu Tùng lặng lẽ nhớ lại.

Thời điểm ấy, đất nước còn nghèo, ngành y tế thiếu thốn từ nhân lực đến thuốc men, trang thiết bị. Người dân thường chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, thậm chí nhiều người đến nơi đã không còn thở nữa. Bác sĩ trẻ Hà Hữu Tùng, mới chân ướt chân ráo về nhận công tác, đã phải trực tiếp cáng đáng gần như toàn bộ công việc trong những ca trực kéo dài thâu đêm. Có hôm, chỉ có hai bác sĩ trực cho cả bệnh viện. Làm không xuể, mệt không thở nổi. Nhưng đau lòng nhất là khi phải chứng kiến bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay mình.

“Có những đêm trực, tôi bất lực nhìn 3 bệnh nhân lần lượt qua đời mà không thể làm gì hơn. Cảm giác ấy ám ảnh tôi cả đời. Mình đã làm hết sức nhưng điều kiện thiếu thốn quá…”, ông kể với ánh mắt đầy xót xa và giọng nói trầm buồn.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng nhận giải thưởng Nhà Lãnh đạo giỏi Việt Nam năm 2014. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng nhận giải thưởng Nhà Lãnh đạo giỏi Việt Nam năm 2014. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Những hình ảnh ấy, tiếng tim ngừng đập trên monitor, tiếng khóc nghẹn của người nhà, ánh mắt cuối cùng của bệnh nhân nhìn ông như níu kéo chút hy vọng cuối cùng… vẫn hiện về trong tâm trí ông mỗi khi đêm về. Đó không chỉ là nỗi đau mất đi một người bệnh mà là nỗi dằn vặt của một người thầy thuốc biết rõ mình có thể làm được nhiều hơn nếu chỉ có thêm một bình oxy, một loại thuốc đặc trị, một chiếc máy thở...

Có lần, ông phải báo tin dữ cho 3 gia đình chỉ trong một đêm. 3 tờ giấy báo tử, 3 cuộc gọi khiến tim ông thắt lại. “Bước ra khỏi phòng cấp cứu, đứng dựa vào tường hành lang, tôi kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần, không còn cảm nhận được điều gì ngoài việc cảm thấy tim mình như bị bóp nghẹt”, ông nhớ lại.

Thế nhưng, chính những đêm dài u tối như vậy đã tôi luyện nên một bác sĩ Hà Hữu Tùng bền bỉ, nhẫn nại, luôn đau đáu với lời thề Hippocrates. Ông không cho phép mình chấp nhận bất lực như một điều hiển nhiên, càng không cho phép mình quên đi ánh mắt của những bệnh nhân ngày ấy, ánh mắt mà ông mang theo suốt những năm tháng hành nghề, để nhắc mình phải làm tốt hơn, phải cứu được nhiều người hơn nữa, khi điều kiện cho phép.

PGS. TS. Hà Hữu Tùng sinh năm 1964 trong một gia đình trọng đạo đức nghề nghiệp.

Năm 1989, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa Nhi. Sau khi ra trường, ông bắt đầu công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng khoa Nhi, Phó Giám đốc và đến năm 2005 được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.

Bác sĩ Hà Hữu Tùng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 2017), trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2016) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2023).

Bác sĩ Hà Hữu Tùng cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2014) và Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (năm 2016).

Xem thêm
Sai lầm dinh dưỡng tạo cơ chế phát sinh tế bào ung thư

Sai lầm dinh dưỡng được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các loại bệnh ung thư trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Sang chấn tâm lý sau bạo hành, làm sao hóa giải?

Sang chấn tâm lý ở những người từng bị bạo hành, luôn có những diễn tiến phức tạp, mà sự tổn thương ảnh hưởng đến cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Đức lang quân nóng lòng có con trai nối dõi

Đức lang quân dù không tôn thờ quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’ nhưng vẫn muốn có con trai nối dõi để khỏi bị thiệt thòi thừa kế gia sản.

Máu nhiễm mỡ và hệ lụy từ lối sống không kiểm soát

Máu nhiễm mỡ diễn ra âm thầm nhưng lại phát sinh nhiều biến chứng khó lường, nếu mỗi người không có ý thức phòng ngừa trong ăn uống và sinh hoạt.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất