Tỷ lệ hút thuốc lá cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có khoảng 8 triệu ca tử vong liên quan đến thuốc lá, trong đó có 1,3 triệu ca tử vong là do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.
Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó có 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động, 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Một buổi truyền thông về tác hại thuốc lá - thuốc lá điện tử tại trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Trung tâm y tế quận 5.
Số liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy, Việt Nam đang nằm trong tốp 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là nam giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam là 42,3%, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Lào.
Còn tại TP.HCM, kết quả nghiên cứu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2024 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc là 19%, trong đó tỷ lệ ở nam giới (36,1%) cao hơn so với nữ giới (2%). Riêng với thuốc lá điện tử, tỷ lệ hút thuốc lá chung là 1,4%, trong đó nam giới chiếm 2,3% và nữ giới 0,6%.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy mức độ phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà và tại nơi làm việc vẫn còn cao, với tỷ lệ lần lượt là 47,6% và 32,2%. Đặc biệt, đối với các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cafe và bar, vũ trường, mức độ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở mức rất cao, lần lượt là 67,8%, 52,9% và 58,8%. Những con số này là lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng của việc tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là trong bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới đang ngày càng trở nên phổ biến, nhắm vào giới trẻ.
Thúc đẩy lối sống lành mạnh
Thời gian qua, nhiều trường học tại TP.HCM đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử nhằm xây dựng môi trường học tập lành mạnh, không khói thuốc. Các trường học đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: ngày hội "Ngôi trường không khói thuốc", các buổi nói chuyện chuyên đề, kịch ngắn và đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong sinh viên, học sinh.
Vừa qua, Trung tâm y tế quận 5 (TP.HCM) phối hợp cùng trường THCS-THPT Nguyễn Bình Khiêm tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống thuốc lá cho học sinh. Buổi tuyên truyền đã giúp học sinh nhận ra tác hại của việc hút thuốc lá. Qua đó, các em học sinh sẽ tiếp cận tốt, nhớ lâu những thông tin, kiến thức bổ ích về tác hại của việc hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Từ đó, tự điều chỉnh thói quen, hành vi của bản thân để tránh xa khói thuốc lá.
Em Duy Hưng - sinh viên một trường đại học tại TP.HCM chia sẻ: Trước đây, em không hút thuốc lá nhưng nhìn thấy bạn bè xung quanh hút thuốc lá điện tử như một trào lưu, cộng với việc thức khuya học bài nên em cũng thử, rồi quen từ khi nào không hay. Nhưng qua hoạt động tuyên truyền của trường cũng như Đoàn thanh niên về tác hại của thuốc lá, dần dần Hưng đã biết được tác hại và đang quyết tâm cai thuốc.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến - Trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM), thuốc lá mà đặc biệt là các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ. Thực tế, thuốc lá điện tử cũng chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, trong đó có các bệnh về hô hấp và tim mạch. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng để bảo vệ giới trẻ khỏi những tác động tiêu cực này.