Cái giá đắt của thuốc lá
Trụ cột gia đình - những người đàn ông mang trên mình trách nhiệm to lớn đối với gia đình. Là người gánh vác phần lớn trách nhiệm kinh tế, bảo vệ và xây dựng gia đình. Nhưng thực tế, bằng những điếu thuốc nhỏ, nhiều "trụ cột gia đình" đang vô tình gieo mầm bệnh cho chính bản thân và những người thân yêu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,2 triệu người chết trên toàn cầu do khói thuốc thụ động gây ra, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở ngưởi trưởng thành (GATS) vào năm 2015, có tới 62% người dân bị tiếp xúc với khói thuốc tại nhà, 49% tại nơi làm việc và 80% tại nhà hàng.

Nhiều người đàn ông có thói quen hút thuốc lá khi ở gần người thân, con cái mà không hay biết rằng chính hành động đó đang âm thầm đầu độc bản thân và những người thân yêu. Ảnh: Hoàng Hiền.
Trong số những người "phải" hút thuốc lá thụ động, trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất. Khói thuốc gây sốc hô hấp, viêm phổi, hen suyễn, viêm tai giữa, thậm chí khiến bé nhẹ cân khi sinh, còi cọc mãn tính, tăng nguy cơ tử vong trước 5 tuổi. Khảo sát cho thấy trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc lá có nguy cơ thử hút thuốc tới 70% trước tuổi 15...
Mặc dù hút thuốc lá thụ động có tác hại rất nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ, nhưng khảo sát lại cho thấy con số đáng báo động khi có tới khoảng 50% trẻ em trong độ tuổi từ 13-15 tại Việt Nam thường xuyên bị phơi nhiễm khói thuốc trong gia đình.
Mặt khác, dù tỷ lệ người hút thuốc lá trực tiếp là phụ nữ chỉ khoảng 1-5%, nhưng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở đối tượng này lại cao hơn đáng kể. Năm 2019, có hơn 19.000 phụ nữ Việt thiệt mạng do phơi nhiễm khói thuốc trong gia đình - chiếm khoảng 60% số ca tử vong toàn quốc vì hút thuốc gián tiếp.
Đối với người cao tuổi, hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi… Theo một nghiên cứu, phơi nhiễm khói thuốc gây tăng khoảng 8% nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, 5% đột quỵ, 1% ung thư phổi.
Hàng ngàn người cao tuổi, những người mẹ, người con đang phải gánh chịu hậu quả do "thói quen khó bỏ" từ chính người con trai, người chồng, người cha - những người được coi là trụ cột gia đình.
Trụ cột gia đình hay gánh nặng?
Thay vì bảo vệ gia đình khỏi những tác nhân độc hại bên ngoài, những người đàn ông được ví như trụ cột gia đình này lại là "nguồn độc hại" ngay trong chính tổ ấm, đầu độc những người thân yêu của mình.
Bằng việc hút thuốc lá, những "trụ cột gia đình" này không chỉ gieo bệnh cho người khác, mà còn tự làm tổn hại chính mình. Những “trụ cột gia đình” ấy đang dần biến mình trở thành gánh nặng khi sức khỏe sa sút. Không những mất dần khả năng lao động, khả năng kiếm tiền, họ còn kéo theo gánh nặng kinh tế do chi phí điều trị bệnh tăng cao, trong khi thu nhập giảm sút. Cùng với đó là áp lực tinh thần, nỗi lo lắng, sự mệt mỏi dồn nén lên vai người thân, đặc biệt là vợ và con.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên hút thuốc lá sớm là do sống trong gia đình có người hút thuốc lá. Ảnh: Hoàng Hiền.
Theo thống kê, gần một nửa nam giới Việt Nam hút thuốc lá, nhưng không phải ai cũng nhận thức được rằng khói thuốc không dừng lại ở lá phổi của người hút. Nó len lỏi khắp ngóc ngách trong nhà, bám lên tóc, áo, chăn màn, rồi ngấm vào cơ thể của vợ, của con, của cha mẹ họ. Một hành vi tưởng chừng riêng tư lại gây ra hệ lụy tập thể, mà cái giá phải trả là bệnh tật, nước mắt và cả sự sống.
Vì thế, không thể viện cớ “chỉ một điếu thuốc” để biện minh cho một hành vi thiếu trách nhiệm. Không thể viện lý do “đã quen rồi” để tiếp tục sống vô tâm với những người mình yêu thương. Trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình không chỉ là đi làm kiếm tiền, mà còn là tạo ra một môi trường sống lành mạnh, một nơi để cha mẹ được yên tâm an hưởng tuổi già, để con trẻ lớn lên với một cơ thể và tâm hồn khỏe mạnh.
Một điếu thuốc có thể là sự giải tỏa tức thời của người lớn, nhưng lại là mầm họa dài lâu cho cả gia đình. Đã đến lúc, những người đàn ông hút thuốc lá nhìn lại hình ảnh của mình trong mắt người thân. Đã đến lúc thay đổi bản thân để không trở thành "nhân tố độc hại" trong chính căn nhà của mình.