Khi thói quen trở thành “cơn nghiện”
“Đừng hút thuốc” đó có lẽ là câu khuyên quen thuộc nhất trên thế giới. Thế nhưng ngày ngày, hàng triệu người vẫn tìm đến thuốc lá, một thói quen không dễ từ bỏ.
Theo nghiên cứu y học, hút thuốc không còn là thói quen, mà là một chứng nghiện thực thụ. Khi hút thuốc, mỗi điếu thuốc đem vào cơ thể từ 1-2mg nicotine, đủ để tác động lên não trong 10 giây sau khi hít vào, tạo ra trạng thái hưng phấn tức thời.
Nicotine được xếp cùng nhóm dược lý với heroin hay cocaine về mức độ gây nghiện. Khi nicotine kích thích não bộ, nó tạo ra cảm giác sảng khoái, hưng phấn, giúp người hút tạm quên mệt mỏi. Nhưng chính tác động đó khiến não bộ quen dần với nicotine, tạo thành "vòng xoắn nghiện thuốc".

Hàng triệu người vẫn tìm đến thuốc lá, một thói quen không dễ từ bỏ. Ảnh: Minh Hà.
Khi lượng nicotine trong cơ thể giảm, não phát ra tín hiệu đòi hỏi, khiến người nghiện khó lòng cưỡng lại được. Đây là lý do phần lớn người hút thuốc không thể dứt ra được, ngay cả khi biết rõ tác hại của thuốc lá.
Điểm đáng lo ngại là ngoài nghiện thực thể, còn có nghiện hành vi. Hành động cầm điếu thuốc, châm lửa, rít một hơi rồi thở ra như một nghi thức quen thuộc. Khi thói quen hòa cùng nhu cầu sinh lý, thuốc lá trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người.
Thuốc lá “giết người” nhiều hơn tưởng tượng
Nếu có một con số đủ sức khiến chúng ta thức tỉnh, đó là hàng triệu người chết mỗi năm trên thế giới do thuốc lá.
Theo WHO, thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 8 triệu ca tử vong hàng năm, trong đó có 1,2 triệu ca do hút thuốc thụ động. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có hơn 100 người tử vong sớm do thuốc lá, tương đương 40.000 người mỗi năm.
Điều đáng buồn hơn cả là nhiều người vẫn còn thờ ơ trước con số đó, vẫn hút thuốc mỗi ngày trong khi biết rõ tác hại. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh nguy hiểm: ung thư phổi, ung thư vòm họng, tim mạch, đột quỵ, tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
Nghiên cứu cho thấy, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 25 lần so với người không hút. Trường hợp nghiện thuốc trên 20 năm thường diễn tiến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tín COPD, cần thở máy để duy trì sự sống.
Điểm tích cực trong bức tranh tối màu đó là bỏ thuốc lá có hiệu quả ngay lập tức. Chỉ 20 phút sau khi cai thuốc, nhịp tim và huyết áp bắt đầu hạ xuống. Sau 24 giờ, mức oxy trong máu được hồi phục, mức carbon monoxide (CO) bắt đầu được thải ra ngoài.
Sau vài tuần, nguy cơ đau tim bắt đầu giảm rõ rệt. Sau 1 - 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm còn bằng người chưa hút thuốc. Sau 10 - 15 năm, nguy cơ ung thư phổi bằng khoảng 1 nửa so với người vẫn hút thuốc.
Điều đó có nghĩa là mỗi ngày quyết tâm từ bỏ thuốc lá chính là mỗi ngày tích lũy thêm sự sống.
Cần nhanh chân bắt nhịp
Việt Nam ban hành đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012, góp phần kiềm chế phần nào tác động của thuốc lá truyền thống. Nhiều quy định về cấm hút thuốc nơi công cộng, quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá được thực thi nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong thế giới ngày càng phát triển, khi thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng xuất hiện, luật pháp lại tỏ ra lạc hậu.
Ước tính, có khoảng 57 nước trên thế giới cho phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới như một công cụ giúp người nghiện thuốc truyền thống chuyển sang phương án ít tác hại hơn.
Nhật Bản là ví dụ điển hình khi thuốc lá làm nóng được giới thiệu năm 2016, mức tiêu thụ thuốc lá truyền thống bắt đầu giảm rõ rệt. New Zealand cũng chứng kiến kết quả tương tự.
Ở chiều ngược lại, vẫn có khoảng 8 quốc gia chọn cách cấm tuyệt đối thuốc lá thế hệ mới. Tranh cãi vẫn còn đó, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các sản phẩm thuốc lá bán tràn lan ngoài thị trường. Ảnh: Minh Hà.
Khi thế giới vẫn còn tranh luận, thì tại Việt Nam, thị trường thuốc lá thế hệ mới lại trôi nổi tự do ngoài vòng kiểm soát, tạo ‘mỏ vàng’ cho hàng lậu, hàng nhái, đẩy người tiêu dùng vào thế khó khăn khi không có được nguồn hàng an toàn, rõ ràng.
Điều đó đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chân hành động là cập nhật khung pháp lý phù hợp với thực tiễn, vừa phù hợp với Công ước Khung FCTC của WHO, vừa phù hợp với định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Cùng với đó, kiểm soát soát chặt chẽ nguồn hàng, tạo điều kiện để người nghiện thuốc truyền thống có cơ hội lựa chọn sản phẩm thay thế an toàn, giúp giảm thiểu tác hại thuốc lá lên sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, truyền thông mạnh mẽ về tác hại thuốc lá truyền thống, thuốc lá thế hệ mới, giúp người dân có cái nhìn rõ ràng để tự lựa chọn con đường bảo vệ sức khỏe.
Hút thuốc lá không còn là vấn đề cá nhân, đó là vấn đề của cả xã hội. Khi mỗi điếu thuốc được đốt lên, đó không chỉ là phần nicotine đi vào cơ thể người hút, đó còn là gánh nặng bệnh tật, chi phí y tế và đau khổ lan sang gia đình, lan ra toàn cộng đồng.
Việc từ bỏ thuốc lá không còn là thử thách của riêng cá nhân, đó còn là "thách thức của cả một dân tộc", trong hành trình tìm lại nguồn sống khỏe mạnh, trong lành.
Hãy chọn sống khỏe, chọn yêu thương, chọn tương lai thay vì khói thuốc.