"Nếu tiếp tục hạn như này, chắc tôi phải bỏ vụ”
Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, lượng mưa gần như không có khiến nhiều khu vực tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) rơi vào tình trạng khô hạn nặng. Các hồ chứa, kênh mương, suối nhỏ vốn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đang trong tình trạng cạn trơ đáy.
Tình trạng thiếu nước không chỉ gây gián đoạn hoạt động sản xuất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân miền núi. Những nương rẫy từng xanh mướt, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nay trở nên khô cằn, bỏ trống vì không thể canh tác.
Anh Chìu Quay Chầu, thôn Kéo Chản (xã Đồng Tâm), chia sẻ, từ đầu năm đến nay bà con phải gánh từng xô nước từ suối về tưới cho cây trồng, mà suối thì cũng cạn dần từng ngày. Không có nước thì bà con chẳng thể gieo cấy.

Ông Lài Trắng Phè đang chăm sóc ruộng ngô khô cằn vì thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ở khu Bình Đẳng, thị trấn Bình Liêu, ông Lài Trắng Phè đang làm cỏ cho ruộng ngô rộng chừng 3.000 m2. Đứng giữa nương ngô khô cằn, ông Phè cười chua xót: “Từ năm ngoái đến năm nay đều bị khô hạn, thiếu nước tưới. Gia đình tôi buộc phải đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, nhưng do thiếu nước nên cây ngô cũng chậm lớn. Nếu tiếp tục hạn như này, chắc tôi phải bỏ vụ thôi”.
Không còn cách nào khác, nhiều hộ dân phải mua máy bơm, kéo hàng trăm mét ống nhựa băng rừng vượt dốc, dẫn từng dòng nước nhỏ về ruộng như cách giành giật sự sống cho cây trồng trong cơn hạn.
Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2025, huyện Bình Liêu dự kiến gieo trồng hơn 2.000 ha cây trồng các loại, trong đó có 481 ha lúa, 370 ha ngô, 160 ha dong riềng, 227 ha rau màu cùng nhiều diện tích khoai, sắn, lạc, mía…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ gieo trồng đang chậm rõ rệt. Những thửa ruộng vốn là “vựa sống” của đồng bào giờ chỉ còn trơ gốc rạ, đất nứt chân chim dưới cái nắng gắt triền miên. Người dân thì mỏi mòn chờ mưa, còn chính quyền địa phương cũng như “ngồi trên lửa”.

Nhiều con suối tại Bình Liêu trong tình trạng cạn trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Thành.
Lên phương án giảm thiểu thiệt hại sản xuất nông nghiệp
Trước tình trạng khô hạn ngày càng khốc liệt, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên… nhằm tối ưu lượng nước còn lại.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chuyển đổi sang các loại cây có khả năng chịu hạn tốt hơn như dong riềng, lạc, sắn… để giảm thiểu rủi ro.

Những vết nứt chân chim ngày càng lộ rõ do thiếu nước tưới. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi sát tình hình thời tiết, phối hợp với địa phương xây dựng phương án ứng phó cụ thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Hạn hán tại Bình Liêu không chỉ là một hiện tượng thời tiết bất thường mà còn là lời cảnh báo rõ ràng về sự cực đoan ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Việc sản xuất nông nghiệp vùng cao phụ thuộc vào tự nhiên khiến người dân dễ bị tổn thương và khó chống đỡ nếu không có sự chuẩn bị bài bản, dài hơi. Với sự vào cuộc từ các cấp, cùng nỗ lực của người dân, hy vọng tình trạng thiếu nước tưới sẽ sớm được khắc phục để bà con an tâm sản xuất.