| Hotline: 0983.970.780

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Thứ Bảy 03/05/2025 , 07:35 (GMT+7)

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Một số loại sữa giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường.

Một số loại sữa giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường.

Văn hóa doanh nhân không phải khái niệm quá mơ hồ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng văn hóa công sở với những quy tắc ứng xử rất văn minh. Tuy nhiên, văn hóa doanh nhân không thể chỉ là những lời ngon tiếng ngọt nhằm chiêu dụ khách hàng, mà đòi hỏi thái độ đúng đắn khi công bố chất lượng sản phẩm và phương thức quảng cáo sản phẩm.

Xu hướng thương mại điện tử bùng nổ thì văn hóa doanh nhân càng được xã hội chú ý. Khi mọi chuyện hanh thông thì không thấy biểu hiện gì đáng lo ngại, nhưng khi có sự cố nào đó thì văn hóa doanh nhân bộc lộ nhiều bất cập. Thử nhìn trực tiếp vào hiện tượng sữa giả gần đây trên thị trường, để hiểu thêm về văn hóa doanh nhân.

Trước cơn bão siêu cấp của thị trường sữa trong nước, bên cạnh hơn 500 nhãn sữa đã bị cơ quan chức năng nêu tên, thì còn bao nhiêu nhãn sữa tương tự vẫn may mắn thoát tội? Người tiêu dùng đặt câu hỏi, phải chăng sẽ còn những nhãn sữa “có vấn đề” nhưng “chưa bị lộ”? Từ trước giờ đến nay, các công ty ấy hiểu rõ về những thiếu sót mà sản phẩm đang tồn tại, nhưng họ vẫn sản xuất, vẫn phân phối một cách vô tư.

Hơn 500 nhãn sữa được cơ quan chức năng xác định không có những thành phần công bố trên bao bì như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... Những kẻ hám lợi khoác áo doanh nhân đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Dĩ nhiên, chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, thì đã đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Văn hóa doanh nhân ở đâu, mà họ lại hành động như thế? Họ đã xem thường sức khỏe người khác và xem thường pháp luật, vì tin rằng dễ dàng duy trì kỳ tích “con voi chui lọt lỗ kim” nhờ những thủ thuật khuất tất mập mờ chăng?

Rất bất ngờ, sau khi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuyên đề “Sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt” thì nhiều doanh nghiệp lập tức gửi công văn đến các đại lý và hệ thống cửa hàng bán lẻ để thu hồi sản phẩm. Một chiêu trò khôn vặt hay một giải pháp tình huống?

Thông báo thu hồi sản phẩm khi có kế hoạch kiểm tra, phản ánh điều gì ở các doanh nghiệp? Đơn giản “chỉ liên quan đến phần ghi nhãn, không ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn hay thành phần dinh dưỡng của sản phẩm” như lời giải thích của một thông báo thu hồi sản phẩm ư? Nếu thật như vậy, thì trách nhiệm và lợi ích vốn được ràng buộc giữa người bán và người mua không thuộc phạm trù văn hóa doanh nhân? Ý thức đạo đức của doanh nghiệp chỉ xuất hiện vào thời điểm cơ quan chức năng mở chiến dịch chấn chỉnh thị trường?  

Với chiêu thức “vườn không, nhà trống” mà nhiều doanh nghiệp áp dụng, có lẽ đoàn công tác của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ không có sản phẩm để kiểm tra nữa. Chất lượng sản phẩm, tính pháp lý của nhãn hàng bỗng dưng trở thành ẩn số.

Đối với đại lý bán hàng, thì họ chỉ là những người trung gian, không thể biết được sản phẩm có phản ánh đầy đủ sự nhất quán giữa “vỏ” và “ruột” hay không. Thế nhưng, nếu nhìn vào thái độ vội vàng thu hồi sản phẩm khi có đợt kiểm tra, có lẽ ít nhiều đại lý bán hàng cũng có quyền đặt câu hỏi nghiêm túc về văn hóa doanh nhân của đối tác. Trong quan hệ cộng sinh, đại lý bán hàng cũng có quyền thể hiện lương tâm của người phân phối để “tẩy chay” những nhà sản xuất tinh ranh ấy.

Trước khi chờ đợi các doanh nghiệp phát huy văn hóa doanh nhân, thì cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với những đối tượng làm ăn phi pháp. Nếu lần theo các thông báo thu hồi sản phẩm của nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa vừa ban hành, thì chắc chắn sẽ tìm được manh mối những gian dối. Và biết đâu, sau câu chuyện này sẽ hé lộ thêm những rắc rối trên con đường phân phối sữa giả khá tinh vi.

Để xây dựng thị trường lành mạnh, ngoài việc đề cao văn hóa doanh nhân thì cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn “con sâu làm rầu nồi canh”.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Phút giây lạc lòng giữa những chuyến hoạt động từ thiện

Phút giây lạc lòng đôi khi chỉ mang tính gặp gỡ tình cờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất