| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau gia vị, tiền thu đều đều

Chủ Nhật 18/05/2025 , 18:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Chỉ với 3 sào (sào 500m2) trồng các loại rau gia vị, trừ chi phí trung bình mỗi năm nông dân có thu nhập gần 100 triệu đồng.

Nhiều hộ dân tại thôn La Xá (xã Tân Lâm Hương, thành phố Hà Tĩnh) chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả để tập trung phát triển các loại rau gia vị, đem lại thu nhập cao và ổn định.

Thu nhập 300 - 600 nghìn đồng mỗi ngày

Những ngày này, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng cứ 15h chiều, trên cánh đồng rau gia vị tập trung của thôn La Xá, các hộ dân vẫn tích cực bám đồng chăm sóc, thu hoạch, mang về thu nhập ổn định mỗi ngày. Bà con ra đồng chăm sóc rau, người tích cực làm đất xuống giống vụ rau mới, người tất bật thu hoạch để kịp giao hàng cho chợ nông sản đêm… Không khí sản xuất khẩn trương, hối hả khắp cánh đồng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường là người trồng rau gia vị lâu năm tại thôn La Xá. Trên diện tích hơn 3 sào (sào 500m2), bà Hường trồng quanh năm các loại rau gia vị như húng quế, kinh giới, tía tô, rau răm…

“Trong mùa hè khắc nghiệt, chúng tôi phải thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ cây rau để hạn chế thiệt hại do nắng nóng, thường xuyên kết hợp tưới nước và phun bổ sung phân đạm”, bà Hường chia sẻ.

Nhờ trồng rau gia vị, mỗi hộ có thu nhập đều đều 300 - 600 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ trồng rau gia vị, mỗi hộ có thu nhập đều đều 300 - 600 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trung bình mỗi ngày gia đình bà Hường thu hoạch được vài trăm bó rau các loại. Trước đây, rau được thương lái đến mua tận ruộng. Những năm gần đây, sau khi thu hoạch bà mang trực tiếp nhập tại chợ đêm Bình Hương ở thành phố Hà Tĩnh và các nhà hàng trên địa bàn nên được giá hơn. Mỗi tháng trừ các chi phí, gia đình bà có thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng từ 3 sào rau gia vị.

Cách đó không xa, chị Lê Thị Thủy đang thoăn thoắt cắt và bó rau húng quế để kịp giao cho chợ đầu mối. Chị chia sẻ: "Nhà tôi trồng hơn 2 sào rau gia vị tại vùng sản xuất tập trung, ngoài ra còn trồng diện tích khá lớn tại vườn hộ với đầy đủ các loại như rau húng, quế, răm, ngổ, diếp cá, kinh giới… Vào mùa hè, sức mua các loại rau tăng nên dễ bán. Theo đó, các loại rau dao động từ 1.000 - 3.000 đồng mỗi bó, tùy loại rau. Với mức giá này, nhà trồng ít mỗi ngày thu về từ 200 - 300 nghìn đồng, nhà trồng nhiều thu khoảng 500 - 600 nghìn đồng là không khó”.

Đang tập trung làm đất cho lứa rau mới, ông Phạm Văn Đệ (thôn La Xá) cho biết: “Những năm trở lại đây, mặc dù rau gia vị ở các tỉnh khác đổ về chợ đầu mối tăng nhưng nhờ chuyển đổi sản xuất rau theo hướng hữu cơ an toàn nên rau gia vị tại thôn La Xá vẫn luôn được thị trường tin tưởng lựa chọn, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó nên bà con rất phấn khởi”.

Nông dân luân canh, gối vụ rau gia vị liên tục để có sản phẩm cho thu hoạch quan năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân luân canh, gối vụ rau gia vị liên tục để có sản phẩm cho thu hoạch quan năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau nên ông Đệ hiểu đặc thù từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống rau phù hợp. Sau mỗi đợt cắt, ông tiếp tục tưới nước, bón phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh, 20 ngày sau sẽ cho thu hoạch đợt tiếp theo và cắt bán liên tục, không tốn nhiều thời gian xuống giống mới.

“Trồng rau gia vị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là mùa hè chúng tôi phải dày công chăm sóc hơn. Ngoài tưới nước đều đặn thì việc vun gốc, làm cỏ, bổ sung phân đạm cho rau được bà con rất chú trọng. Càng nắng nóng nông dân càng phải thường xuyên ra đồng để chăm sóc, quan sát sự sinh trưởng của rau”, ông Đệ cho biết.

Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nên gần 3 sào rau gia vị của ông Đệ luôn phát triển xanh tốt dù thời tiết nắng nóng kéo dài. Theo tính toán của ông, với 3 sào trồng các loại rau gia vị như tía tô, húng, rau răm..., trừ chi phí trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Rau gia vị dễ trồng và ít sâu bệnh, trồng được quanh năm nên có thu nhập thường xuyên. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Rau gia vị dễ trồng và ít sâu bệnh, trồng được quanh năm nên có thu nhập thường xuyên. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Quan trọng nhất khâu làm đất

Theo các hộ trồng rau tại đây, rau gia vị dễ trồng và ít sâu bệnh, trồng được quanh năm, mùa nào thức đó. Từ khâu giống, chọn phân chuồng cũng như thuốc bảo vệ thực vật đều được các hộ trống rau xem xét kỹ nguồn gốc, quy trình kỹ thuật.

Trồng rau gia vị quan trọng nhất là làm đất. Phải xử lý đất bằng cày ải, phơi đất, rắc vôi, sau đó bón lót. Trong đó khâu làm đất cần thực hiện tốt khâu vệ sinh, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng, xử lý sâu bệnh bằng thuốc sinh học, nước tưới cũng phải là nước sạch, thu hoạch rau bảo đảm thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện hầu hết diện tích rau gia vị của người dân thôn La Xá đã được lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động ngay tại ruộng và vườn nhà, giúp bà con đỡ công tưới nước và tiết kiệm nước tưới trong thời tiết nắng nóng kéo dài. 

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm Hương, rau gia vị là cây trồng chủ lực mang lại thu chính cho nông dân thôn La Xá. Để phát triển nghề trồng rau gia vị, xã đã thành lập Tổ hợp tác rau gia vị La Xá nhằm liên kết các hộ sản xuất, chia sẽ kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra ổn định.

Thôn La Xá hiện có hơn 15 hộ trồng rau gia vị với diện tích trên 3ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thôn La Xá hiện có hơn 15 hộ trồng rau gia vị với diện tích trên 3ha. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện nay, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn thường xuyên bám nắm, kiểm tra tình hình sản xuất để tiếp tục tư vấn, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm rau gia vị. Đồng thời, khuyến khích bà con đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như xây dựng hệ thống nhà lưới nhằm hạn chế ảnh hưởng, tác động bất lợi của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại.

Thôn La Xá hiện có hơn 15 hộ trồng rau gia vị với diện tích trên 3ha. Giá trị kinh tế từ trồng rau gia vị gấp nhiều lần trồng lúa, mỗi năm nông dân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/sào.

Xem thêm
Bí quyết nuôi chồn sinh sản không bị cận huyết

CÀ MAU Ông Lê Hoàng Trung ở Cà Mau nuôi chồn sinh sản, bán giống 8 triệu đồng/cặp, chồn thịt 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ

QUẢNG NINH Quảng Ninh đang từng bước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triên bền vững.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thu 'lợi kép' nhờ nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm

Kết hợp nuôi cá lồng với du lịch trải nghiệm giúp các cơ sở tại hồ Hòa Bình thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có thêm nguồn thu từ dịch vụ đi kèm.

Cải thiện điều kiện sống cho voi nuôi nhốt

Đắk Lắk 14 trong tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi.