Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có gần 265.000 ha rừng, trong đó có gần 107 ha rừng tự nhiên, hơn 158 ha rừng trồng. Độ che phủ rừng năm 2024 là 52,7% (bao gồm cây trồng phân tán).
Năm 2025, trên địa bàn tỉnh có hơn 159.000 ha nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong đó, rừng trồng hơn 158 ha, rừng tự nhiên hơn 1.200 ha.

Năm 2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 159.000 ha nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Ảnh: Văn Hà.
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh. Các ngành liên quan đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác PCCCR.
Cụ thể, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại gần 16,7 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2025 mới đây (8/5), đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã báo cáo về tình hình PCCCR trong thời gian qua, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR trong năm 2025.

Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại gần 16,7 hec ta. Ảnh: Văn Hà.
Các ý kiến tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ rừng và PCCCR; đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong công tác PCCCR...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác PCCCR trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch PCCCR năm 2025 với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng; đặc biệt chú trọng các phương án sẵn sàng ứng phó khi dự báo nguy cơ cháy rừng cấp 4, cấp 5.
Chủ động làm việc, phối hợp với Sở NN-MT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum để thống nhất các nội dung, nhiệm vụ, đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả công tác PCCCR trong thời gian tới, nhất là khi nhập tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum.

Thời tiết khô hạn kéo dài có nguy cơ gây cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng. Ảnh: Văn Hà.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác PCCCR, nhất là sử dụng bản đồ vệ tinh, phần mềm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với trí tuệ nhân tạo (AI).