Hơn 51.000 ha rừng nguy cơ cháy
Những ngày này, thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra nắng nóng kéo dài. Để phòng, chống cháy rừng, ông Nguyễn Danh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết, đã ban hành kế hoạch số 132 ngày 11/3/2025 về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025.

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương tuần tra, chủ động phòng chống cháy rừng. Ảnh: Kim Sơ.
Trên cơ sở kết quả rà soát của các đơn vị trực thuộc xác định năm nay, toàn tỉnh có khoảng trên 51.100 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy, trong đó hơn 20.433 ha rừng tự nhiên và khoảng 30.678 rừng trồng, tập trung hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh.
Theo ông Danh, để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất, các đơn vị chủ rừng và địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
“Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đám cháy”, ông Danh lưu ý và đề nghị các chủ rừng phải tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô. Đồng thời bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Cũng như trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, dụng cụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Khi dự báo cháy rừng cấp III, IV, V, các chủ rừng chỉ đạo lực lượng rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên lâm phần quản lý, từ đó tổ chức trực và canh phòng trực nghiêm túc.
Còn khi dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V thì tạm dừng mọi hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng, hoạt động đốt, xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy. Kịp thời phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng, dụng cụ, phương tiện dập tắt đám cháy không để xảy ra cháy lan trên diện rộng.
Về phía Chi cục cũng sẽ tổ chức trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ lễ, thứ Bảy và Chủ nhật trong suốt mùa khô hanh. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, kịp thời cung cấp thông tin cho đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương để chủ động thực hiện các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Không lơ là
Tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, huyện Khánh Vĩnh, đơn vị này được giao quản lý hơn 38.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 5 xã Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung và Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh). Trong đó, hơn 32.000 ha rừng tự nhiên, gần 2.650 ha rừng trồng, còn lại là diện tích đất chưa có rừng và đất khác.

Các đơn vị chủ rừng đã xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2025. Ảnh: Kim Sơ.
Những ngày này, lực lượng bảo vệ rừng nơi đây đã nâng cao cảnh giác phòng cháy chữa cháy rừng. Cụ thể như tại Đội bảo vệ và Phát triển rừng số 1 thuộc công ty đã bố trí chốt chặn tại những tuyến đường người dân thường ra vào và khu vực rừng trồng có nguy cơ cháy cao. Đội còn cử các lực lượng tuần tra, gặp trực tiếp người dân có rẫy sản xuất gần rừng để tuyên truyền, vận động ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng.
Anh Nguyễn Thanh Đức, Đội trưởng Đội bảo vệ và Phát triển rừng số 1 cho biết, hiện đội có 33 người được phân công bảo vệ khoảng 14.000 ha rừng, trong đó trên 1.700 ha rừng trồng có nguy cơ cháy cao vì nương rẫy của người dân nằm xen kẽ rừng.
Xác định mối nguy hiểm trên, đội đã và đang thực hiện bố trí 21 chốt trực, đồng thời đã vận động được 22 người dân có rẫy sản xuất gần rừng ký cam kết phòng, cháy chữa cháy rừng. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả mà trong năm 2024 Đội bảo vệ và Phát triển rừng số 1 không để xảy ra cháy rừng.
Ông Triệu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết, ngay từ đầu mùa khô, công ty đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, từ đó giao các đội để thực hiện. Trong công tác phòng chống cháy rừng, công ty cũng xác định phòng là chính, bảo đảm chữa cháy kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại.
Do đó, công ty đã chỉ đạo các đội tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng chống cháy rừng. Đồng thời phối hợp lực lượng kiểm lâm, địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm bắt công tác phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện cam kết đốt nương rẫy.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con trước khi đốt rẫy phải báo cáo cho lực lượng bảo vệ rừng của công ty để trực tiếp hỗ trợ thực hiện đảm bảo an toàn không xảy ra cháy lan. Thực hiện giờ đốt an toàn là vào chiều tối, tuyệt đối không đốt từ lúc 8 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều, bởi đây là thời gian dễ xảy ra cháy nhất. Điều đáng mừng là nhờ đẩy tuyên truyền nên bà con cũng đã nâng cao ý thức chấp hành. Vì vậy những năm gần đây trên lâm phần đơn vị quản lý, không xảy ra cháy rừng”, ông Minh chia sẻ.

Lắp đặt biển cấm lửa tại những khu vực có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Kim Sơ.
Tương tự, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa hiện quản lý hơn 30.212 ha rừng và đất rừng trên địa bàn các huyện Cam Lâm, Khánh Sơn và TP Cam Ranh. Để chủ động phòng, chống cháy rừng đang thời kỳ cao điểm mùa khô, ông Ngô Công Châu, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết, đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt phòng cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đơn vị cũng đã yêu cầu các trạm bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, dụng cụ, công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy rừng.
“Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các trạm phân công trực nhật và tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra các khu vực có nguy cơ cháy cao trong mùa khô. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đến các hộ dân sinh sống, canh tác nương rẫy giáp, trong lâm phân đơn vị quản lý. Ngoài ra, chúng tôi còn kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, dùng lửa để xử lý thực bì. Từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, với nguy cơ cháy rừng cao như hiện nay”, ông Châu chia sẻ.
Theo ông Danh, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu các Hạt Kiểm lâm trực thuộc tiến hành kiểm tra thực tế các địa điểm, khu vực, địa phương đánh giá nguy cơ cháy rừng. Từ đó đôn đốc xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của từng đơn vị chủ rừng, địa phương để có cơ sở báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, điều hành sát sao, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.