| Hotline: 0983.970.780

Quan trắc môi trường góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Thứ Tư 21/05/2025 , 16:30 (GMT+7)

Công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm khu vực Nam Trung bộ được Viện III thực hiện thường xuyên giúp đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Khu vực Nam Trung bộ với bờ biển dài và điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ lâu đã trở thành một trong những khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của ngành này cũng đặt ra không ít thách thức về mặt môi trường

Quan trắc môi trường nước là nhiệm vụ quan trọng để đưa ra cảnh báo nhằm giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Quan trắc môi trường nước là nhiệm vụ quan trọng để đưa ra cảnh báo nhằm giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Xuất phát từ thực tế này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tích cực triển khai công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm khu vực Nam Trung bộ. Hoạt động này đóng vai trò then chốt trong việc nắm bắt các diễn biến môi trường, đưa ra cảnh báo kịp thời cho người nuôi, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết có những biến động khó lường.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, kết quả quan trắc môi trường trong những năm gần đây và đặc biệt là tháng 3 năm 2025 cho thấy sự khác biệt về thời tiết tại khu vực, lạnh kéo dài với nhiệt độ nước có thời điểm xuống 22 - 23 độ C đã gây ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động thả giống thủy sản nuôi.

Trước tình hình đó, Viện đã chủ động cảnh báo người dân về tình trạng này thông qua các bản tin quan trắc, khuyến cáo bà con cần thận trọng trong quá trình thả nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của các đối tượng nuôi.

Bên cạnh đó, dự báo khí tượng thủy văn trong thời gian tới, vào những tháng mùa hè sẽ nóng gay gắt. Đợt nắng nóng đầu tiên tại khu vực Nam Trung bộ thời gian qua có những thời điểm lên tới 37 độ C và sắp tới đây, đợt nắng nóng thứ hai tiếp tục bắt đầu, nhiệt độ dự báo cũng sẽ lên đến 37 độ C ở một số vùng. Chính việc thời tiết lạnh không theo quy luật tự nhiên hay nắng nóng gay gắt, nếu không có những quan trắc để đưa ra khuyến cáo cho người dân sẽ khiến việc nuôi trồng thủy sản gặp rủi ro.

“Hoạt động quan trắc thường xuyên của Viện giúp theo dõi sát sao sự thay đổi nhiệt độ và các yếu tố môi trường khác, từ đó đưa ra những khuyến cáo kịp thời về chất lượng môi trường vùng nuôi, mật độ nuôi và các biện pháp quản lý khu vực nuôi trồng thủy sản hiệu quả”, lãnh đạo Viện III cho hay.

Công tác quan trắc môi trường nước được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiến hành thường xuyên, liên tục. Ảnh: KS.

Công tác quan trắc môi trường nước được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiến hành thường xuyên, liên tục. Ảnh: KS.

Thời gian qua, hoạt động quan trắc môi trường của Viện III tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận và Lâm Đồng, tuy nhiên tại nhiều vùng, số điểm quan trắc chưa nhiều. Việc mở rộng này còn gặp nhiều khó khăn do giới hạn về nguồn kinh phí và số lượng điểm quan trắc. Một thách thức khác là sự thay đổi địa điểm nuôi của người dân theo nhu cầu thị trường đòi hỏi hoạt động quan trắc phải linh hoạt và thích ứng.

Để thực hiện hiệu quả công tác quan trắc, Viện III đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đầu tư nâng cấp Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung trực thuộc Viện, được trang bị cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn giàu kinh nghiệm với hơn 15 năm gắn bó với Viện. Các chuyên gia về môi trường và bệnh học thủy sản tại đây có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao cũng như đáp ứng yêu cầu thực tế từ các địa phương.

Theo lãnh đạo Viện III, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm đầu tư từ Bộ, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc phân tích các thông số, chỉ tiêu môi trường đòi hỏi trang thiết bị phải được cải tiến liên tục theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Do đó, Viện mong muốn được trang bị thêm các hệ thống thiết bị hiện đại, có độ chính xác và tin cậy cao hơn, chẳng hạn như các thiết bị phân tích chuyên sâu về môi trường nước có thể giảm thiểu sai số đến mức tối đa hay hệ thống PCR thế hệ mới có khả năng định lượng vi khuẩn, virus, từ đó cung cấp thông tin quan trọng để người nuôi đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, Viện III mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tăng cường đầu tư, bổ sung trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, nhằm nâng cao năng lực quan trắc và phân tích các yếu tố môi trường, phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới quan trắc, tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phân tích và dự báo môi trường, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản chủ động, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường nuôi, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chuyện thú y cơ sở: [Bài cuối] Lo lắng vẫn còn

QUẢNG BÌNH Lượng thú y cơ sở tại Quảng Bình mới được tái lập chưa tròn một năm, nay đứng trước những thách thức mới khi chủ trương bỏ cấp huyện được triển khai trên toàn quốc.

Thiết lập 'hàng rào xanh' xuất khẩu sầu riêng: Hoàn thiện hệ thống giám sát

ĐBSCL Các địa phương sản xuất sầu riêng cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan trung ương để hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi khi có vi phạm.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Trồng đưng ở đầm ngập mặn

Đầm ngập mặn ở Phổ Thạnh đang dần được phủ xanh bởi những cây đưng, giúp bảo vệ đất, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao.