| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên thất thu vụ lúa đông xuân

Thứ Ba 06/05/2025 , 07:10 (GMT+7)

Hiện nông dân tỉnh Phú Yên đang thu hoạch rộ lúa đông xuân - vụ lúa quan trọng nhất trong năm, song kém vui vì năng suất, giá bán lúa đều không như kỳ vọng.

Những ngày này, nông dân Phú Yên đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Không như những vụ trước, vụ này nông dân kém vui vì năng suất thấp, giá bán cũng giảm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) cho biết, vụ đông xuân năm nay, HTX gieo sạ 577ha, đến nay bà con đã thu hoạch xong, năng suất trung bình đạt 65 tạ/ha, giảm khoảng 10 tạ/ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa đông xuân với năng suất giảm hơn cùng kỳ. Ảnh: KS.

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa đông xuân với năng suất giảm hơn cùng kỳ. Ảnh: KS.

Theo ông Đông, sở dĩ năng suất lúa giảm do ảnh hưởng nhiều đợt không khí lạnh, trời ít nắng, không thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Từ đó khiến lúa chín muộn hơn 10 ngày do với dự kiến, kết hợp với gió nồm làm phát sinh sâu bệnh hại, nhất là rầy gây hại trên diện rộng. “Không chỉ năng suất giảm, giá lúa thương lái thu mua cũng thấp, chỉ dao động từ 7.200 - 7.400 đồng/kg, trong khi năm ngoái từ 8.000 - 8.200 đồng/kg. Do đó vụ này bà con đều thất thu”, ông Đông nói.

Tương tự, tại xã Hòa Xuân Đông (thị xã Đông Hòa), đến nay, nhiều bà con đã thu hoạch xong nhưng năng suất lúa giảm rõ rệt. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Lệ ở thôn Phú Khê 1 vụ này làm 5 sào lúa, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, cộng với rầy phát sinh gây hại cuối vụ nên mỗi sào gia đình bà bị giảm năng suất hơn 200kg.

Tại các xã Hòa Hội, Hòa Thắng, Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), theo ghi nhận từ các hộ dân đã thu hoạch lúa cho thấy năng suất vụ này không cao và giá lúa cũng giảm so với vụ trước. Ông Nguyễn Trọng ở xã Hòa Hội cho biết, vào thời điểm gieo sạ do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh nên cây lúa chậm phát triển. Mọi năm bà con chỉ bón 2 đợt phân nhưng vụ này phải bón 3 - 4 đợt khiến chi phí canh tác tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Phú Yên, vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh gieo sạ trên 26.621ha lúa, tăng 0,4% so với kế hoạch. Đến nay, bà con đã thu hoạch khoảng 24.000ha (90% diện tích), năng suất ước đạt 72,4 tạ/ha, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ.

Giá lúa được thương lái thu mua thấp hơn vụ đông xuân năm trước. Ảnh: KS.

Giá lúa được thương lái thu mua thấp hơn vụ đông xuân năm trước. Ảnh: KS.

Ông Minh cho rằng, nguyên nhân năng suất lúa đông xuân năm nay giảm là do tình hình thời tiết vừa qua tương đối phức tạp, không thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Cụ thể, đầu vụ do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa lớn trùng với lịch gieo sạ từ ngày 20/12/2024 - 10/1/2025 nên các địa phương tạm dừng xuống giống. Từ đó dẫn đến thời điểm sạ trà chính vụ đông xuân chậm so với cùng kỳ khoảng gần 1 tuần. Tuy nhiên sau đó các địa phương cũng đã đôn đốc, chỉ đạo triển khai gieo sạ đảm bảo trong khung thời vụ khuyến cáo.

Đến cuối tháng 2 (từ ngày 22 - 25/2), khi cây lúa chủ yếu đang giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to gây lũ và ngập, hư hỏng hơn 3.279ha. Những diện tích lúa bị ngập úng đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và sức đề kháng của cây lúa giảm, dễ phát sinh sâu bệnh hại giai đoạn cuối vụ, thời gian trỗ và thu hoạch chậm hơn so với cùng kỳ.

Tiếp đến, vào giai đoạn lúa trà chính vụ trỗ bông, thời tiết âm u, nhiều mây, ít nắng, không thuận lợi cho quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây lúa. Từ đó đã làm tỷ lệ lúa bị lem lép hạt cao hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số diện tích phát sinh bệnh đạo ôn lá, cháy rầy cục bộ dẫn đến ảnh hưởng năng suất lúa cuối vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, để hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh trên cây lúa, bà con cần chọn giống chất lượng, giống chống chịu để gieo sạ, gieo sạ tập trung. Sạ thưa, sạ hàng (60 - 80kg/ha đối với lúa thuần, 40 - 50kg/ha đối với lúa lai). Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa phân đạm. Thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình thời tiết, sự phát sinh sâu bệnh hại để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (IPM); quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); các chương trình "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất…

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 3] Đào tạo đi sâu vào 'chất'

Đào tạo nhân lực ngành thú y cần tập trung vào chất chứ không chỉ đi vào lượng. Thú y cũng cần được đào tạo chuyên khoa sâu như y khoa phục vụ con người.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Trà Vinh: Nhiều hợp tác xã cơ giới hóa 100% trong sản xuất lúa

Tại Trà Vinh, nhiều hợp tác xã đã cơ giới hóa 100% trong sản xuất lúa, góp phần giảm mạnh chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 2] Mỗi hộ dân là một tuyên truyền viên

KHÁNH HÒA Chủ tịch Hội nông dân phường Cam Thuận cho rằng, mỗi hộ dân tham gia tập huấn là một tuyên truyền viên giúp lan tỏa nhận thức bảo vệ môi trường vùng nuôi rộng hơn.

Chặt phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn đã giảm

Tại tỉnh Bắc Kạn, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên quy mô nhỏ vẫn diễn ra, tuy nhiên mức độ, số lượng vụ vi phạm đã giảm đáng kể so với những năm trước.