| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học bỏ phố lên rừng

Chủ Nhật 05/12/2021 , 07:00 (GMT+7)

GIA LAI Từ tò mò, khó hiểu đối với một ông nông dân “gàn dở”, giờ đây người dân luôn dành cho ông sự kính trọng, cảm phục tinh thần lao động say mê, không ngừng nghỉ...

Mỗi ngày, người dân làng Net, xã Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai) lại thấy đôi vợ chồng đã ngoài 70 tuổi cần mẫn bên những ô ruộng, xem xét từng cây lúa, đo độ dài từng bông, đếm từng hạt lúa và ghi chép cẩn thận.

Sự xuất hiện của đôi vợ chồng đã nghỉ hưu, từ Thủ đô Hà Nội vào định cư ở xã Ia Bang chuyện lạ đối với người dân nơi đây. Ông Siu Nhinh, một người dân trong làng bảo: “Chúng tôi cảm thấy khó hiểu khi ông Nguyễn Văn Hoan từ Hà Nội lại vào định cư ở làng chúng tôi nơi vùng sâu, vùng xa, có điều kiện sinh sống khó khăn. Trong khi mọi người trong làng, trong xã đang đua nhau trồng cây cà phê, hồ tiêu, cao su thì vợ chồng ông này lại đưa cây lúa nước lên trồng trên đồi cao”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan vẫn hàng ngày tận tụy với công tác nghiên cứu lúa lai ở mảnh đất vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Prông (Gia Lai). Ảnh: Đỗ Doanh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan vẫn hàng ngày tận tụy với công tác nghiên cứu lúa lai ở mảnh đất vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Prông (Gia Lai). Ảnh: Đỗ Doanh.

Với chiếc nón thường trực trên đầu và bộ quần áo lao động đã bạc màu, không ai nghĩ ông là PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền giống cây trồng (Trường Đại học Nông nghiệp 1, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa - Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Nghỉ hưu năm 2016, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan đã thuyết phục vợ đến định cư tại Làng Net (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, Gia Lai) để tiếp tục nghiên cứu về các loại giống lúa lai. Ông Hoan cho biết khi vợ chồng ông vào đây sinh sống, dân cư còn thưa thớt lắm, chỗ ông ở cỏ dại cao ngút đầu, đường đi lại lầy lội, muốn đi mua thực phẩm hàng ngày cũng phải ngã xe năm, bảy lần. Hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, nhà khoa học Nguyễn Văn Hoan đã mang giống măng Điền Trúc vào trồng thử nghiệm và phổ biến rộng rãi ở huyện Chư Prông.

Hơn 40 năm làm khoa học, ông đã cùng các cộng sự tạo ra giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam có tên gọi: Việt Lai 20 (VL20) với năng suất 7 - 8 tấn/ha và nhiều giống lúa lai khác. Giải thích về tên gọi giống lúa Việt Lai 20, ông cho biết: Việt Lai là giống lúa lai của Việt Nam, còn 20 là họ của giống lúa bố có nguồn gốc từ nước ngoài. Đến nay, giống lúa lai Việt Lai 20 vẫn còn sức sống mãnh liệt, được nhiều địa phương trên cả nước sử dụng, đưa vào cơ cấu giống lúa lai chủ lực trong sản xuất. 

Khu nghiên cứu lúa và nhân giống dòng mẹ bất dục TGMS của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan ở xã Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: NVCC.

Khu nghiên cứu lúa và nhân giống dòng mẹ bất dục TGMS của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan ở xã Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: NVCC.

Từ căn nhà nhỏ, đơn sơ ở làng Net, những năm qua, ông đã tiếp tục nghiên cứu thành công giống lúa lai “Hạt Vàng 36” cho năng suất tiềm năng lên tới 12 tấn/ha, kháng rầy, chịu được sâu bệnh và chịu hạn.

Giống lúa lai Hạt Vàng 36 hiện nay đã được gieo trồng rộng rãi ở Gia Lai và cả nước. Hiện ông đang tiếp tục nghiên cứu giống lúa lai HC18 với năng suất tiềm năng lên tới 18 tấn/ha. Thành công trong nghiên cứu giống lúa lai của ông và các cộng sự đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam làm chủ được công nghệ lai tạo các loại giống lúa, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Nói về lý do chọn Chư Prông (Gia Lai) làm nơi định cư, nghiên cứu khoa học trong những năm tháng sau khi nghỉ chế độ, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết: "Quan điểm của tôi là nơi nào yên tĩnh, mát mẻ, quang cảnh rộng rãi, thế thì ở đây đã đạt được tất cả. Tôi làm nghề nông nghiệp, là lúa, là chọn giống, phải có đất, phải có ruộng, chứ ở căn hộ cao cấp ở thành phố thì làm được cái gì?".

Ông tâm sự: "Nghiên cứu khoa học về nông nghiệp là một nghề, sống nghề thì tử nghiệp. Vào đây mình vẫn phát huy được cái nghề mà ngoài Thủ đô mình không thể làm được, mình vẫn tiếp tục cái nghề nghiệp của mình đến khi nhắm mắt, xuôi tay”.

Một giống lúa lai mới ra mắt của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan tại khu nghiên cứu tại xã Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: NVCC.

Một giống lúa lai mới ra mắt của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan tại khu nghiên cứu tại xã Ia Bang (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: NVCC.

Hỏi về nhà khoa học Nguyễn Văn Hoan, bà Vũ Thị Kim Chi, người bạn đời của ông chỉ cười vui: “Ông nhà tôi là người của xã hội mà”. Từ tò mò, khó hiểu đối với một ông nông dân “gàn dở”, giờ đây người dân trong làng, trong xã luôn dành cho ông sự kính trọng, cảm phục về tinh thần lao động say mê, không ngừng nghỉ của một nhà khoa học.

Anh Siu a Lik, Bí thư Đoàn xã Ia Bang cho hay: “Bác Hoan đã già nhưng vẫn làm ra các loại giống lúa có năng suất cao, cơm lại ngon, dân làng mình thích lắm. Mình nói với dân làng và đoàn viên, thanh niên trong xã phải noi gương bác Hoan tích cực lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để không còn cái đói, cái nghèo” .

Mặc dù tuổi đã cao, trải qua một lần tai biến, nhưng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học vẫn cháy mãi trong ông. PGS.TS Nguyễn Văn Hoan là tấm gương sáng của một nhà khoa học suốt đời tận tụy với nghề, sự cống hiến thầm lặng của ông như con ong chăm chỉ góp mật ngọt cho đời.

Xem thêm
Cho ăn thảo dược, ngựa bạch Sìn Hồ nuôi không kịp bán

LAI CHÂU Về cao nguyên Sìn Hồ, tận thấy những đàn ngựa bạch khỏe khoắn, chạy như bay trên đồng cỏ. Có được như vậy là nhờ cách chăm sóc ngựa đặc biệt của người nuôi.

Phát hiện bệnh dại, địa phương tổ chức truy bắt chó thả rông

QUẢNG NGÃI Sau khi phát hiện 2 con chó dương tính với bệnh dại, xã Ia Tơi (tỉnh Quảng Ngãi) đã hướng dẫn người dân tiêm phòng và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất