| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân 'giải nghệ', trồng dừa làm giàu

Thứ Hai 21/04/2025 , 05:58 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Khi nghề biển cho thu nhập bấp bênh, ông Thâm liền ‘giải nghệ’ về làm nông với 100 cây dừa xiêm và 1.500m2 đất trồng rau, mỗi năm kiếm trên 200 triệu đồng.

Ông Đinh Thâm (sinh năm 1973) ở khu phố Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) trước đây làm nghề đi bạn cho những tàu cá trong vùng. Khi thu nhập của nghề biển ngày càng giảm sút, sức khỏe cũng không còn đảm bảo cho những công việc nặng nhọc trên đầu sóng ngọn gió, năm 2017, ông Thâm quyết định lên bờ về quê làm nông.

Việc đầu tiên ông Thâm làm là cải tạo khu vườn rộng 2.000m2 của gia đình, phá bỏ tất cả các loại cây trồng kém hiệu quả, vay vốn của Hội Nông dân trồng 100 cây dừa Xiêm. Vườn dừa Xiêm của ông cho thu hoạch đã 4 - 5 năm nay. Hiện dừa đang trong mùa ra quả, trung bình mỗi cây cho từ 4 - 5 buồng/vụ, mỗi buồng trên 10 quả, thu hoạch được từ 60 - 70 quả/vụ/cây.

Theo ông Thâm, nếu quản lý sâu bệnh, chăm sóc tốt, trung bình mỗi cây dừa Xiêm cho 100 quả/năm, bán sỉ tại vườn 9.000đ/quả. Ngoài ra, ông còn ươm dừa giống hơn 1.500 cây/năm, giá bán 50.000đ/cây, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm từ việc bán dừa giống trên 150 triệu đồng. 

Vườn dừa Xiêm của ông Thâm đang trong thời kỳ cho quả rộ. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn dừa Xiêm của ông Thâm đang trong thời kỳ cho quả rộ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Thâm cho biết, yếu tố tiên quyết giúp ông thành công từ mô hình trồng dừa Xiêm là việc lựa chọn giống. Bởi thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn mua các giống dừa Xiêm lùn, Xiêm xanh, Xiêm dứa… có nguồn gốc từ các tỉnh miền Nam về trồng, lúc đầu cây phát triển khá tốt, cho trái sum suê nhưng chỉ được vài năm là cây bắt đầu nhiễm nhiều loại bệnh rồi lụi tàn.

“Có thể do các giống dừa có xuất xứ từ miền Nam không phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Thế nên khi trồng, tôi chọn cây giống truyền thống của địa phương là dừa Xiêm xanh Tam Quan. Giống này vừa bảo đảm sức bền, vừa dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất nên cây phát triển khá đồng đều, luôn đạt năng suất cao”, ông Thâm chia sẻ.

Ngoài ra, ông Thâm còn thuê 1.500m2 đất công ích chia thành 3 khu để trồng xen canh các loại rau màu ngắn ngày như dưa leo, cà chua, khổ qua, mướp, đậu cô ve, rau mùi… Mùa nào thức nấy, loại này rớt giá thì còn có loại kia nên thu nhập quanh năm khá ổn định.

Vườn dừa Xiêm trĩu quả của ông Thâm. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn dừa Xiêm trĩu quả của ông Thâm. Ảnh: V.Đ.T.

Bên giàn cà chua sum suê trái đang vào độ chín, ông Thâm vui vẻ chia sẻ thêm: “Đây là giống cà chua truyền thống được bà con lưu giữ từ xưa đến nay, không có yếu tố lai tạo, nếu trồng đúng thời vụ, chăm sóc tốt, phân bón, nước tưới phù hợp, giống này cho quả rất to, trung bình đạt 3 - 4 quả/kg.

“Vụ thu hoạch cà chua kéo dài hơn 3 tháng. Với 500m2 đất trồng cà chua, vào thời điểm thu hoạch rộ sản lượng có thể đạt 500 - 600kg, giá bán từ 15.000 - 20.000đ/kg. Nhờ các loại rau màu trồng theo hình thức gối vụ, mỗi năm tôi có thêm lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng, bằng một nửa thu nhập từ cây dừa”, ông Thâm bộc bạch.

Ban đầu từ biển lên bờ làm nghề nông ông Thâm không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng nhờ định hướng sản xuất của ngành chức năng địa phương và tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi, ông Thâm tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học áp dụng vào quy trình canh tác, nhờ đó ông đã thành công với các mô hình sản xuất của mình.

Với 500m2 đất trồng cà chua, mỗi năm ông Thâm có thêm thu nhập 70 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

Với 500m2 đất trồng cà chua, mỗi năm ông Thâm có thêm thu nhập 70 triệu đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ mối quan hệ cũ với các tàu cá ở địa phương nên hơn 80% sản phẩm dừa tươi và rau xanh các loại của tôi được các chủ tàu khai thác hải sản xa bờ ký hợp đồng bao tiêu hàng tháng với giá ổn định nên không phải lo đầu ra”, ông Thâm phấn khởi.

“Ông Thâm là gương điển hình trong sản xuất từ nhiều năm qua ở địa phương. Tuy vườn không rộng, đất không nhiều nhưng ông đã linh hoạt chuyển đổi và xen canh cây trồng phù hợp theo từng mùa vụ nên cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Quan Nam nhận xét.

Xem thêm
Giống tằm nội sẵn sàng 'thách đấu' tằm ngoại

Giống tằm nội VH 2020 có tỷ lệ nở trên 90%, năng suất kén đạt 13kg/vòng trứng, chất lượng tơ tương đương với giống tằm Trung Quốc.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.