Chuyển biến tích cực
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Phú Yên, năm 2024, toàn tỉnh thả nuôi 2.670 ha ao đìa và nuôi lồng bè trên đầm, vịnh, biển (đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô và vùng biển hở huyện Tuy An) khoảng 4.878 ha.
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.690 tấn (tăng 37,2% so với năm 2020). Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, cao gấp 10,9 lần so với giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha đất trồng trọt (110 triệu đồng/ha).

Nuôi trồng thủy sản lồng bè tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là rất lớn, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống cho cộng đồng cư dân ven biển. Cơ sở hạ tầng khu vực ven biển cũng được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, nếu không có biện pháp quản lý và kiểm soát hiệu quả các nguồn chất thải như thức ăn dư thừa, chất thải hữu cơ dễ phân hủy, bao nilon, thùng xốp… thì sẽ góp phần gây tình trạng ô nhiễm biển, đại dương và các vùng dân cư ven biển.
Theo bà Nga, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ đã diễn ra ở một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, gây thiệt hại lớn về kinh tế và mất ổn định trong nuôi trồng thủy sản.
Chẳng hạn như năm 2016, 2017, tôm hùm nuôi bị chết ở vịnh Xuân Đài. Đến năm 2024, tôm hùm, cá biển nuôi chết tại đầm Cù Mông, giá trị thiệt hại ước khoảng 38 tỷ đồng. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường là nền tảng để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người nuôi và bảo vệ môi trường chung.
Thời gian gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng như chính quyền địa phương, người dân đã dần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Nhiều hộ đã chủ động thay thế sử dụng các loại thức ăn tươi sống bằng các loại thức ăn công nghiệp để giảm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chủ động thu gom thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt từ các lồng bè, ao đìa nuôi trồng thủy sản đưa vào bờ để xử lý.

Người nuôi đã từng bước nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển là bảo vệ tài sản của chính mình. Ảnh: KS.
“So với trước đây, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản của người dân đã có sự chuyển biến. Dù vậy, sự thay đổi này chưa đồng đều, chưa rõ nét. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời khuyến khích áp dụng các mô hình nuôi thân thiện với môi trường”, bà Nga bày tỏ.
Tương tự, ông Lê Đình Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo Khánh Hòa cho biết, thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, người nuôi trồng thủy sản đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
“Bà con đã quan tâm và có sự chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường như thu gom rác từ hoạt động nuôi, tuân thủ quy trình mật độ nuôi… Đồng thời, xây dựng và hình thành các tổ tự quản hoặc tổ chức thu gom rác thải tại các vùng nuôi trên biển như vùng nuôi Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang; vùng nuôi Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh và vùng nuôi Cam Ba, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh…”, ông Khiêm chia sẻ.
Cần nhân rộng hơn nữa
Theo bà Nga, thời gian tới, để lan tỏa, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể liên quan cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng người nuôi trồng thủy sản về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường biển.

Các địa phương gắn biển tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.
Đồng thời tổ chức rà soát, sắp xếp lại các vùng nuôi đầm, vịnh, hạ lưu sông, vùng nước ven bờ theo định hướng phát triển bền vững, không mâu thuẫn hoặc kết hợp với các ngành kinh tế khác để cùng phát triển (nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch, nuôi biển công nghiệp kết hợp điện gió…).
Khuyến khích thay đổi vật liệu lồng bè, cải tiến, áp dụng mô hình, công nghệ nuôi mới như công nghệ sinh học, mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP hoặc tương đương trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế gây ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, nhà nước cần đầu tư hạ tầng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi ở các vùng biển mở, giảm áp lực các thủy vực kín như đầm, vịnh. Cũng như khuyến khích các mô hình xã hội hóa thu gom rác thải tại các vùng nuôi trồng thủy sản, các khu dân cư ven biển để giảm lượng rác thải rắn tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Còn ông Lê Đình Khiêm cho biết, ngành sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người nuôi như tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, các biện pháp về bảo vệ môi trường và áp dụng quy trình kĩ thuật nuôi tiên tiến, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh…

Hy vọng thời gian tới sẽ còn nhiều mô hình lan tỏa bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả kế hoạch quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh, từ đó phối hợp các đơn vị có liên quan kịp thời cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết khi có vấn đề về môi trường.
Tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà tại kế hoạch số 14058/KH-UBND ngày 09/12/2024 của UBND tỉnh. Trong đó, các địa phương tập trung xây dựng và triển khai phương án sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Cũng như tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển chủ động xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng các hình thức phù hợp với tình hình địa phương theo kế hoạch số 1884/KH-UBND ngày 18/2/2025 của UBND tỉnh về “Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”.
Theo đó, việc tổ chức thu gom chất thải, xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ môi trường thường xuyên thu gom.
Tỉnh Khánh Hòa khuyến khích, hỗ trợ người nuôi chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới HDPE, FRP… góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản tại vùng biển 3-6 hải lý theo kế hoạch số 11346 ngày 9/10/2024 của UBND tỉnh về “Kế hoạch triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.