Chung tay bảo vệ môi trường
Với lợi thế đường bờ biển dài, nhiều đầm vịnh, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển (hay còn gọi là nuôi biển).

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Nghề nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương, ổn định sinh kế và mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm, sản lượng thủy sản nuôi của các tỉnh đạt từ 18.000-20.000 tấn, là nguồn cung lớn cho tiêu dùng nội địa và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Những kết quả đạt được trong nuôi trồng thủy sản đã đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao đời sống cho cộng đồng cư dân ven biển.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có sự đối mặt vấn đề suy giảm môi trường nước. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi, gây nên hiện tượng thủy sản bị chết vào thời điểm giao mùa hoặc nắng nóng gay gắt kéo dài, có mưa giông.

Tôm hùm là đối tượng nuôi biển chủ lực của các tỉnh khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: KS.
Ông Trần Văn Phước, một người nuôi ở xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, thời gian qua, mội trường nước tại một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có chiều hướng xấu. Một trong những nguyên nhân là rác thải từ hoạt động nuôi biển như bao bì đựng thức ăn cho thủy sản nuôi, thức ăn thừa của tôm cá tích lũy mỗi ngày một ít, trở thành chất thải gây ô nhiễm cho nguồn nước nuôi biển.
Do đó, ông Phước cho rằng, để cải thiện môi trường nuôi, người nuôi chung tay không vứt rác sinh hoạt bừa bãi xuống vùng nuôi, cũng như thu gom thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm cá vào bờ xử lý đúng quy định.
Nỗ lực tuyên truyền
Từ năm 2023, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) đã được Bộ NN-PTNT (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giao nhiệm vụ đánh giá nguồn thải và lượng chất thải trong nuôi trồng thủy sản trên biển.

Cơ quan chức năng tuyên truyền cho các hộ nuôi nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.
Song song với hoạt động nghiên cứu, Viện III cũng đã phối hợp với các địa phương khu vực Nam Trung bộ mở lớp tập huấn cho người dân về nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cũng đã tích cực, quan tâm tuyên truyền, vận động người nuôi thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm cá vào bờ xử lý theo quy định. Điều rất vui mừng là hiện nay ý thức của nhiều người nuôi đã có sự chuyển biển tích cực, chung tay bảo vệ môi trường khu vực nuôi.
“Để ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thủy sản nuôi bị hao hụt thì giải pháp bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản phải đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Văn Thiện, một người nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bày tỏ và cho biết thêm, đối với ông sau khi được tập huấn, tuyên truyền đã chủ động thu gom rác sinh hoạt, thức ăn thừa trong quá trình nuôi được đưa vào bờ xử lý, không còn tình trạng vứt rác bữa bãi xuống biển.
Theo các nhà khoa học, việc bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng nước thích hợp cho đối tượng nuôi cũng như quyết định hiệu quả nuôi biển.
Khi một hay nhiều yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, phát triển và sức đề kháng của thủy sản nuôi, là tác nhân gây bệnh. Do đó, việc quản lý và đảm bảo môi trường nước thích hợp cho đối tượng nuôi là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng thủy sản nuôi, cũng như hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai.