Tập huấn nuôi tôm hùm thân thiện môi trường
Xuyên suốt chuỗi hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản của người dân, mới đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với UBND phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) mở lớp tập huấn cho hơn 30 hộ dân tại địa phương.

Đông đảo người dân phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) tham gia lớp tập huấn do Viện III tổ chức. Ảnh: Phương Chi.
Tại buổi tập huấn, ThS Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện III) đã hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng, từ việc lựa chọn khu vực đặt lồng, vật liệu lồng đến việc lựa chọn con giống, mật độ thả nuôi và lượng thức ăn hàng ngày; đặc biệt là việc bảo vệ môi trường tại các khu vực nuôi để giảm thiểu dịch bệnh xảy ra.
Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, ThS Trâm khuyến cáo người dân một số chỉ tiêu môi trường cần kiểm tra và biện pháp kiểm soát trong quá trình nuôi.
Trong đó, khi nhiệt độ dưới 26 độ C cần tiến hành hạ độ sâu lồng nuôi kết hợp với biện pháp chăm sóc, quản lý nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm hùm như: giảm khoảng 30% lượng thức ăn; bổ sung thêm một số chất hỗ trợ như men tiêu hóa, vitamin B, C để tăng sức đề kháng cũng như khả năng hấp thụ cho tôm hùm. Khi nhiệt độ trên 30 độ C cần chủ động che mát tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào lồng nuôi bằng lưới lan.
Bên cạnh đó, chủ động di chuyển lồng bè ra xa khu vực có ảnh hưởng của nguồn nước ngọt khi trời giông, bão, tránh đưa lồng lên trên tầng nước mặt khi có mưa dông để đảm bảo độ mặn của nước ở ngưỡng thích hợp.
ThS Trâm cũng lưu ý người nuôi nên tăng cường vệ sinh lưới lồng, thu gom thức ăn dư thừa, tuân thủ khoảng cách giữa các lồng bè để tạo sự lưu thông nước tốt bên trong và bên ngoài lồng nuôi.

Những kiến thức được Viện III tập huấn sẽ giúp ích cho người dân phường Hòa Hiệp Nam trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Phương Chi.
Vận dụng vào sản xuất
Tham gia lớp tập huấn dịp này, ông Lê Văn Bảy ở thôn Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam cho biết, những kiến thức được Viện III chia sẻ rất bổ ích, từ kỹ thuật chọn con giống, môi trường nước, thời tiết. Ông nhận thấy rằng, những điều kiện này được đảm bảo thì hiệu quả nuôi sẽ được nâng cao. Do đó, thông qua những kiến thức tiếp thu từ buổi tập huấn, ông sẽ vận dụng vào mô hình nuôi của gia đình để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cùng tham gia buổi tập huấn này, ông Nguyễn Văn Thái ở khu phố Đa Ngư, phường Hòa Hiệp Nam cho biết, trong quá trình nuôi, ngoài việc lựa chọn con giống đạt chất lượng và thả với mật độ phù hợp thì ông còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường khu vực nuôi. Bởi ông nhận thấy rằng, những khu vực nuôi nếu bị ô nhiễm sẽ xuất hiện nhiều dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
“Tôi thấy những kiến thức được Viện III chia sẻ rất hay, tôi đã chăm chú lắng nghe và ghi lại để về áp dụng cho diện tích nuôi của gia đình. Những thắc mắc của tôi đều được cán bộ Viện III giải đáp kỹ càng, giúp tôi hiểu rõ hơn về kỹ thuật nuôi cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường để hạn chế dịch bệnh xảy ra”, ông Thái cho hay.

Việc vận dụng những kiến thức từ các lớp tập huấn giúp người dân nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả hơn. Ảnh: PC.
Ông Lê Bá Phụng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, địa phương hiện có hơn 360 ha nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, địa phương nhận được sự quan tâm của các cấp và phòng ban chuyên môn, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trong quá trình nuôi, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Từ đó, bà con nâng cao được nhận thức, vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi trồng thủy sản để cải thiện, nâng cao chất lượng và phát triển kinh tế.
Theo ông Phụng, hàng năm, các cơ quan chức năng thường tổ chức từ 2 - 3 đợt tập huấn tại địa phương. Thông qua đó, một số bà con đã vận dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi để đem lại hiệu quả cao hơn
“Thông qua các lớp tập huấn, về cơ bản bà con đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Đối với các hộ áp dụng kiến thức từ các buổi tập huấn về mô hình nuôi cũng đạt hiệu quả hơn trước đó, ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao”, ông Phụng cho hay.
Để nuôi trồng thủy sản tại phường Hòa Hiệp Nam phát triển hơn trong thời gian tới, ông Phụng mong muốn các ngành chức năng quan tâm hơn nữa, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời có kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá lại môi trường vùng nuôi để có hướng dẫn cho người dân chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp, bảo đảm phát triển kinh tế.