TP Cam Ranh là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè, được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm lồng của Khánh Hòa.
Thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản lồng bè tại địa phương đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, tuy nhiên số lượng lồng nuôi rất lớn, tập trung với mật độ dày làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm cá và tác động không nhỏ đến môi trường nước.

Khánh Hòa là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản lồng bè. Ảnh: Phương Chi.
Trong khi đó, lượng thức ăn dư thừa và các loại rác thải của ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nước là rất lớn.
Để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nuôi cũng như sản lượng, chất lượng thủy sản, việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi là rất cần thiết.
Do đó, xuyên suốt trong chuỗi hoạt động tập huấn là nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó tuyên truyền, lan tỏa, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức tập huấn cho hơn 30 hộ dân nuôi trồng thủy sản tại phường Cam Thuận, TP Cam Ranh. Hiện địa phương này có khoảng 15.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm xanh.
Tại buổi tập huấn, những kiến thức về kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè (đặc biệt là tôm hùm lồng) và kiến thức bảo vệ môi trường tại các khu vực nuôi đã được chuyên gia Viện III phổ biến cho người dân.

Môi trường tại các khu vực nuôi trồng thủy sản các tỉnh Nam Trung Bộ dần được cải thiện. Ảnh: Phương Chi.
Tham gia lớp tập huấn, ông Trần Hữu Hùng ở tổ dân phố Hiệp Hưng, phường Cam Thuận cho biết, gia đình hiện đang nuôi 40 lồng tôm hùm xanh. Năm vừa qua, sản lượng đạt khoảng 5 tấn, do giá cả bấp bênh nên lợi nhuận không cao.
Theo ông Hùng, hiện nay nhu cầu nuôi của các hộ dân rất lớn trong khi diện tích nuôi hạn chế Điều này dẫn đến mật độ lồng nuôi dày đặc. Tại các khu vực nuôi thường xuyên chịu tác động của các yếu tố môi trường, kể cả khi thời tiết bất lợi, thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi.
Để giảm thiểu điều này, thời gian qua việc bảo vệ môi trường tại khu vực nuôi được ông Hùng chú trọng. Thay vì dùng túi nilon đựng thức ăn cho tôm hùm như trước kia thì nay ông đã chuyển sang dùng túi lưới, loại túi này tái sử dụng được nhiều lần nên giảm đáng kể lượng rác thải.
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt cùng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi được ông thu gom mang vào bờ xử lý. Nhờ đó, môi trường tại khu vực nuôi của ông dần được cải thiện theo từng năm.
Cùng tham gia lớp tập huấn, ông Nguyễn Cao Sơn ở tổ dân phố Hiệp Hưng, phường Cam Thuận cho biết, những kiến thức được cán bộ Viện III chia sẻ tại lớp tập huấn rất hay và có thể vận dụng ngay vào quá trình nuôi.
Trong đó, hàng ngày ông lặn xuống các lồng nuôi để theo dõi mức độ tiêu thụ thức ăn của tôm hùm để có sự điều chỉnh vào những lần sau và thức ăn còn dư được thu gom để mang vào bờ xử lý. Ngoài ra, ông cũng thay thế túi nilon bằng túi lưới để đựng thức ăn cho tôm mỗi ngày, nhờ đó môi trường vùng nuôi đã ổn định hơn trước.

Người dân TP Cam Ranh sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm thay thế túi nilon. Ảnh: Phương Chi.
Ông Lê Huỳnh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Thuận, TP Cam Ranh cho biết, hàng năm địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền đến người dân về việc nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo hộ dân nuôi trồng thủy sản đến tham dự.
Theo ông Quang, qua các buổi tập huấn, người dân đã nâng cao vai trò, nhận thức của mình, chung sức, chung lòng để bảo vệ môi trường biển cũng như môi sinh cho cộng đồng trong nuôi biển. Hiện nay diện tích nuôi trồng còn hạn chế, do đó người dân phải nuôi trong vùng quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cả mặt biển và trong lòng biển.
Bên cạnh đó, khu vực gia công thực phẩm, thức ăn cho việc nuôi trồng phải được giữ gìn sạch sẽ. Rác thải mang vào bờ xử lý phải tập kết đúng nơi và theo thời gian quy định để thuận tiện cho việc thu gom, giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Mỗi hộ tham gia tập huấn phải là một tuyên truyền viên, không chỉ vận dụng kiến thức tiếp thu được cho khu vực nuôi của mình mà còn phải tuyên truyền cho những hộ dân khác, từ đó lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường cho cả cộng đồng, giúp môi trường được tốt hơn”, ông Quang bày tỏ.
Thông qua các buổi tập huấn, ý thức của người dân được cải thiện. Rác thải tại các khu vực nuôi trồng thủy sản được hạn chế, từ đó giảm thiểu được rủi ro dịch bệnh xảy ra.