Cải thiện môi trường đáng kể
Chúng tôi đến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và ghi nhận nhiều nơi đã hình thành mô hình, cách làm đơn giản để bảo vệ môi trường biển.

Mô hình xã hội hóa thu gom rác trên lồng bè nuôi trồng thủy sản tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: KS.
Chẳng hạn như tại vùng nuôi lồng bè ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã thực hiện mô hình xã hội hóa thu gom rác thải trên biển. Vùng nuôi tôm hùm, cá biển này hiện có 6.060 ô lồng, với 7.278 hộ nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè đã thải rác ra biển rất nhiều, gây ô nhiễm vùng nuôi. Từ năm 2018, địa phương đã cho chủ trương để một doanh nghiệp trên địa bàn xã thực hiện xã hội hóa thu gom rác trên biển tại vùng nuôi thủy sản lồng bè.
Theo người nuôi, dù lúc đầu, nhiều người nuôi không chấp nhận vì phải đóng phí hàng tháng, song về sau bà con đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Từ đó đến nay, các bè nuôi đều có thùng rác trên góc bè. Hằng ngày, các chủ bè đều bỏ rác vào thùng để mỗi tuần 3 buổi đơn vị thu gom đưa rác vào bờ xử lý.
Theo ông Phương, mô hình này đã giúp vùng nuôi lồng bè giảm 80% rác thải. Tình trạng tôm cá nuôi chết hàng loạt không còn xuất hiện như trước đây.
Còn tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), người nuôi tôm hùm ở đây bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho thủy sản nuôi để tái sử dụng nhiều lần thay vì dùng túi nilon như trước đây.

Người nuôi tôm hùm ở xã Cam Bình sử dụng túi lưới để đựng thức ăn, thay vì đựng túi nilon. Ảnh: KS.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người nuôi tôm ở đảo Bình Ba bộc bạch, việc bà con sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm nhằm bảo vệ môi trường nguồn nước nuôi cũng là bảo vệ tài sản của mình. Vì trong những lồng nuôi tôm hùm là hàng tỷ đồng vốn liếng của bà con đều nằm cả dưới biển.
Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, hiện toàn xã có 460 bè với trên 10.000 ô lồng nuôi tôm hùm. Đến nay, 100% hộ nuôi đều sử dụng túi lưới để đựng thức ăn cho tôm, chỉ một số thức ăn đặc thù như cá, mực thì mới đựng túi nilon. Tuy nhiên chính quyền và chi bộ thôn vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con sau khi sử dụng túi nilon xong phải thu gom đưa vào bờ để xử lý theo quy định.
“Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức của bà con đã nâng lên rất nhiều. Nhờ đó, lượng rác thải nhựa và túi nilon thải xuống biển giảm đáng kể so với những năm trước đây. Môi trường biển cũng được cải thiện, việc nuôi trồng thủy sản của bà con cũng thuận lợi”, ông Linh chia sẻ.
Lập 54 điểm thu gom rác
Tại vùng nuôi lồng bè trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nhiều người nuôi cũng đã ý thức thực hiện thu gom rác thải trôi nổi sau khi di chuyển từ lồng bè vào bờ.
Hành động tưởng chừng đơn giản nhưng theo người nuôi, đây là giải pháp để bảo vệ môi trường biển. Ông Lê Văn Tuấn, một người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương cho biết, hiện nay, hầu hết bà con đều đồng tình với phương án thu gom rác thải từ nuôi trồng thủy sản vào bờ xử lý.

Người nuôi trồng thủy sản trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đồng tình về việc thu gom rác sinh hoạt đưa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.
Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nuôi thu gom rác vào bờ xử lý. Cơ quan chức năng tại thị xã Sông Cầu đã xây dựng 54 điểm tập kết rác thải tại khu vực ven biển để người dân bỏ rác vào. Sau đó, công nhân môi trường sẽ đến thu gom rác xử lý theo quy định.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu, địa phương đang triển khai sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè tại các vùng nuôi, tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản không phép, trái phép trên đầm, vịnh.
Thị xã Sông Cầu cũng đang kiện toàn 129 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản theo quy chế tự chủ, tương trợ, hỗ trợ sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự. Đặc biệt, địa phương cũng đang triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải từ nuôi trồng thủy sản lồng, bè; đầu tư hạ tầng ven bờ phục vụ nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.