
Chuồng được trang bị hệ thống làm mát gồm quạt hút, quạt thổi, phun sương và tấm làm mát cooling pad. Ảnh: Quang Linh.
Kiểm soát môi trường và nhiệt độ hiệu quả
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao cùng biến đổi khí hậu, mô hình chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại đang trở thành xu hướng tất yếu.
Tại xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên, ông Nguyễn Quốc Chỉnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi heo giống trong hệ thống chuồng lạnh khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Hiện nay, trang trại của ông Chỉnh duy trì 50 con heo nái. Mỗi lứa đẻ, đàn heo sinh sản ra từ 500 đến 600 con heo con khỏe mạnh. Để đảm bảo an toàn sinh học trong suốt quá trình chăn nuôi, trang trại tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình tiêu độc, khử trùng. Người và phương tiện ra vào đều phải qua hệ thống tiêu độc khử trùng tự động đặt ngay tại cổng trại. Nhờ vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào được kiểm soát tối đa.
Một trong những điểm nổi bật tại mô hình này là hệ thống chuồng lạnh khép kín. Đây là dạng chuồng hiện đại được thiết kế đặc biệt nhằm kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm một cách ổn định. Chuồng được trang bị hệ thống làm mát gồm quạt hút, quạt thổi, phun sương và tấm làm mát cooling pad. Một số khu còn được lắp điều hòa không khí để duy trì nhiệt độ lý tưởng quanh năm.
Không chỉ làm mát, chuồng lạnh còn có hệ thống thông gió tự động giúp loại bỏ khí độc như amoniac và CO2. Các vật liệu cách nhiệt được sử dụng cho tường, mái và sàn nhằm ngăn chặn sự truyền nhiệt từ bên ngoài. Nhờ môi trường sống được cải thiện, đàn heo ít bị stress, ăn khỏe, vận động tốt và tăng trưởng đồng đều. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm công chăm sóc, chi phí thuốc thú y và tỷ lệ hao hụt.

Chuồng lạnh bảo vệ heo khỏi vật chủ trung gian lây truyền dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: QL.
Ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài
Ngoài ra, chuồng lạnh khép kín cũng mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phòng chống dịch bệnh. Với môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt, heo ít mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, độ ẩm hay hô hấp. Đặc biệt, việc xử lý khí thải và nước thải bằng hệ thống biogas hiện đại giúp giảm thiểu mùi hôi và ô nhiễm môi trường xung quanh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Một chuồng lạnh đạt chuẩn thường được chia làm ba khu vực chính: khu xử lý và chế biến thức ăn; khu vực nuôi heo; khu liên hợp xử lý chất thải bằng hầm biogas. Tất cả thức ăn, vật dụng trước khi đưa vào khu chăn nuôi đều trải qua quá trình khử trùng kỹ lưỡng. Người ngoài cũng được hạn chế tiếp xúc với đàn heo để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Đặc biệt, trang trại của ông Chỉnh sử dụng carbon hữu cơ trong quá trình vận hành, tạo môi trường thông thoáng, hạn chế mùi hôi, giúp đàn heo sinh trưởng tốt, không bị dị tật. Nhờ chất lượng con giống tốt, toàn bộ sản phẩm đầu ra được các công ty ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường, hiện khoảng 2,5 triệu đồng mỗi con heo giống.
“Mô hình chuồng lạnh khép kín đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng lợi ích lâu dài lại vượt trội. Hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, môi trường sống của vật nuôi được cải thiện, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và người chăn nuôi”, ông Chỉnh nhấn mạnh.
Trước bối cảnh ngành chăn nuôi đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao và bền vững, mô hình của ông Nguyễn Quốc Chỉnh là minh chứng rõ nét cho việc dám đổi mới để phát triển. Đây không chỉ là hướng đi đúng đắn cho cá nhân nông dân mà còn là kinh nghiệm thực tiễn quý báu để nhân rộng trong toàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.