Hiện thực hóa kỳ vọng của "tư lệnh" ngành nông nghiệp và môi trường
Tổng kết phiên chuyên đề 2 về chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng các văn bản liên quan của ngành nông nghiệp và môi trường, diễn ra chiều 10/5, tại Bắc Ninh, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, phiên chuyên đề đã có 8 bài trình bày và hơn 10 ý kiến đóng góp cho hai lĩnh vực chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư.
Những báo cáo đã lột tả được hiện trạng của lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, đặc biệt liên quan đến những đối tượng như lợn, gia cầm, tôm, cá tra, nuôi biển; cũng như tình hình liên quan dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, phiên chuyên đề đã có 8 bài trình bày và hơn 10 ý kiến đóng góp cho hai lĩnh vực chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư. Ảnh: Tùng Đinh.
Đối với các ý kiến, các đơn vị đã có những đề xuất, định hướng, giải pháp thực hiện phù hợp trong thời gian tới. Những ý kiến rất tâm huyết, đặc biệt đánh giá rất cao Nghị quyết 57-NQ/TW và Quyết định số 503/QĐ-BNNMT.
Lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho hay, thông qua phiên chuyên đề chiều nay, Cục Chăn nuôi và Thú y; Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã đưa ra kế hoạch triển khai Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, đồng thời định hướng rõ vai trò phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học. Mục tiêu là cùng chung tay hiện thực hóa kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đó là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Sau Hội nghị, các nhà quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại để rà soát cụ thể từng nhóm đối tượng vật nuôi và thủy sản.
Đối với chăn nuôi, như lợn, gà và các loài khác, cần xác định rõ hướng nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng.
Với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tôm, cá và nuôi biển, cần làm rõ đâu là phần việc của doanh nghiệp, đâu là nhiệm vụ của các đơn vị nghiên cứu, từ đó xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả nhằm phát huy được những nhiệm vụ mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra trong thời gian tới.
9 kiến nghị tâm huyết
Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh, phiên họp đã ghi nhận nhiều kiến nghị tâm huyết từ các nhà quản lý, nhà khoa học, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, các kiến nghị tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học công nghệ.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh nội dung này nhằm tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác nghiên cứu và nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả khoa học vào thực tiễn.
Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, miễn giảm một số loại thuế, phí.
Thứ tư, nghiên cứu và cải thiện cơ chế đầu tư công trong chuyển đổi cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học giữa các bộ, ngành và địa phương. Hiện nay năng lực, trang thiết bị trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư còn hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, sản xuất trong giai đoạn mới.

Nhiều ý kiến cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, miễn giảm một số loại thuế, phí... Ảnh: Hồng Thắm.
Thứ năm, các nghiên cứu mang tính ứng dụng nên được thực hiện theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp và người dân, trong khi các nghiên cứu cơ bản cần được các viện, trường định hướng rõ ràng để đảm bảo khả năng ứng dụng vào sản xuất. Đặc biệt, cần tập trung ưu tiên cho công tác chọn tạo giống, nâng cao chất lượng giống trong cả chăn nuôi và thủy sản, với các chương trình nghiên cứu bài bản, có tầm nhìn dài hạn.
Thứ sáu, đối với lĩnh vực thủy sản, nhằm hạn chế tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh.
Thứ bảy, nguồn nhân lực cho cả lĩnh vực chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư hiện nay còn yếu, cần gắn đào tạo với doanh nghiệp để trong thời gian tới có nhân lực tốt, nâng cao trình độ.
Thứ tám, công nghệ phụ trợ nhập khẩu tương đối nhiều, đây cũng là khoảng trống mà các doanh nghiệp trong nước có thể tập trung nghiên cứu trong vấn đề này.
Thứ chín, là tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ mới nhất, rút ngắn thời gian nghiên cứu.