
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại diện hai bộ khởi động Hoạt động liên hợp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản Vịnh Bắc bộ Việt - Trung năm 2025. Ảnh: ICD.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025), giữa tháng 5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác tham dự một loạt hoạt động quan trọng tại Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản.
Tại thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tham dự và phát biểu tại Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lần thứ 8 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là hoạt động thiết thực được tổ chức trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham dự và phát biểu tại Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lần thứ 8 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: ICD.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2017, lễ thả giống đã trở thành một hoạt động thường niên có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung trong Vịnh Bắc Bộ – vùng biển giàu tài nguyên nhưng đang chịu nhiều áp lực từ khai thác và biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Hoạt động này không chỉ mang giá trị sinh thái mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng ngư dân, tăng cường ý thức bảo vệ môi trường biển và là minh chứng sinh động cho tinh thần hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia".
Ngày 20/12/2021, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025. Việc phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn, với mục đích bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản chung trong Vịnh Bắc Bộ, trên tinh thần hợp tác hữu nghị, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có những hợp tác tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao các cơ quan chức năng phối hợp triển khai hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vịnh Bắc Bộ trong những năm tiếp theo nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Gỡ nút thắt, mở rộng hợp tác thương mại thủy sản Việt - Trung tại Nam Ninh
Cũng trong chuyến công tác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm cung cầu thủy sản Việt Nam – Trung Quốc tại thành phố Nam Ninh. Sự kiện do Hội Thủy sản Việt Nam và Tập đoàn Dĩnh Kim Linh phối hợp tổ chức. Đây là sáng kiến thiết thực nhằm thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, tìm giải pháp khơi thông thị trường và tăng cường giao thương nông – thủy sản giữa hai nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Việt Nam – Trung Quốc có địa lý ‘núi liền núi, sông liền sông’, là điều kiện thuận lợi cho giao thương nông sản và thủy sản.

Việc phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: ICD.
Trung Quốc đã liên tục hơn 20 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đã vượt mức 260 tỷ USD. Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã đến được với đông đảo gia đình Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giao thương muốn phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật hai nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tin tưởng lẫn nhau.
Thứ trưởng Tiến cũng ghi nhận những nỗ lực kết nối của Hội Thủy sản Việt Nam và khuyến khích mở rộng mô hình tọa đàm tương tự tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất tổ chức các đoàn tham quan thực tế tại Việt Nam để giới thiệu với đối tác Trung Quốc về hệ sinh thái sản xuất thủy sản phong phú và tiềm năng lớn của nhiều sản phẩm nông sản khác như trái cây, thực phẩm chế biến…
Đoàn công tác Việt Nam lần này có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị chủ chốt như Cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Thủy sản và Kiểm ngư. Đây là dịp để các cơ quan quản lý chuyên ngành trực tiếp lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và điều phối tốt hơn trong chiến lược hợp tác thương mại nông nghiệp hai nước.