| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thiện quy trình kỹ thuật ương, dưỡng và nuôi cá bông lau trong ao đất

Chủ Nhật 19/05/2024 , 11:10 (GMT+7)

BẾN TRE Phân Viện Hải sản Miền Nam vừa tập huấn kỹ thuật ương, dưỡng và nuôi cá bông lau trong ao đất cho 55 hộ và cán bộ tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.

Cá bông lau khai thác tự nhiên rất được ưa chuộng, giá bán dao động từ 180-350 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ). Ảnh: Minh Đảm.

Cá bông lau khai thác tự nhiên rất được ưa chuộng, giá bán dao động từ 180-350 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ). Ảnh: Minh Đảm.

Cá bông lau là loài đặc sản ở ĐBSCL. Cá bông lau giống được khai thác bằng các nghề đẩy te và đăng đáy. Tại tỉnh Bến Tre, ngư dân thường khai thác cá giống ở khu vực cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên.

Mặc dù nghề nuôi cá bông lau thương phẩm đã phổ biến nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, chưa ổn định, tỷ lệ sống giai đoạn ương giống dao động từ 10-60%. Do chưa có mô hình và quy trình nuôi đối với cá bông lau nên người nuôi dựa vào kinh nghiệm nuôi các đối tượng khác áp dụng vào cá bông lau.

Để giải quyết những tồn tại trên, từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Phân viện nghiên cứu Hải sản phía Nam - Viện Nghiên cứu Hải sản đầu tư, chủ trì, triển khai đề tài “Nghiên cứu quy trình ương dưỡng và nuôi cá bông lau trong ao đất” tại ấp Tân Long, xã Phước Thạnh, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Theo thạc sĩ Nguyễn Phước Triệu, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, qua khảo sát số lượng cá bông lau giống khai thác 461 con/ngày ở mỗi tàu lưới đáy và là 421 con/ngày ở mỗi tàu lưới te. Mùa vụ khai thác từ tháng 9-12 hằng năm. Theo phương thức truyền thống của bà con nông dân, nghề nuôi cá bông lau có thời gian từ 16,8-18,5 tháng, tỷ lệ sống từ 36,1- 63,7%, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) là 2,47-2,52, năng suất 7,8-12,9 tấn/ha. Các ao nuôi thuộc khu vực các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú rất thích hợp nuôi cá bông lau.

Đề tài nghiên cứu được triển khai tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Đề tài nghiên cứu được triển khai tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Qua nghiên cứu của các tác giả, nuôi cá bông lau cần tách biệt ra hai giai đoạn để đạt hiệu quả cao. Cụ thể là giai đoạn ương, thuần dưỡng và giai đoạn thương phẩm. Mỗi giai đoạn sẽ có quy trình kỹ thuật, khác nhau.

Giai đoạn ương và thuần dưỡng cần thời gian 35 ngày, kích cỡ cá đạt 8-10 cm/con, mật độ 20 con/m2 là phù hợp nhất, với tỷ lệ sống đạt 91%, FCR là 1,2.

Giai đoạn nuôi thương phẩm, thời gian nuôi 12 tháng, kích cỡ cá thu hoạch từ 1-1,2 kg/con, năng suất thu hoạch 16,7 tấn/ha. Mật độ nuôi thương phẩm phù hợp nhất là từ 1-2 con/m2. Nếu mật độ 1 con/m2, tỷ lệ sống 89,7%, FCR 1,96; Mật độ 2 con/m2, tỷ lệ sống 84,7%, FCR 2,02; Mật độ 3 con/m2, tỷ lệ sống chỉ 73,7%, FCR 2,15.

Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Phước Triệu cũng chỉ ra, mật độ 2 con/m2 cho hiệu quả kinh tế cao nhất với tỷ suất lợi nhuận đạt 14,6%, cao gấp 3,17 lần so với mật độ 3 con/m2 và 1,13 lần so với mật độ 1 con/m2.

“Đề tài cũng hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn quy trình kỹ thuật ương và thuần dưỡng, nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất. Qua đó, đã tập huấn kỹ thuật cho 55 hộ nuôi trồng thủy sản và cán bộ tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ngoài ra, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cũng xây dựng sản phẩm cá bông lau một nắng và cá bông lau tươi đạt chứng nhận OCOP 3 sao”, thạc sĩ Nguyễn Phước Triệu cho biết thêm.

Theo bà Trương Trịnh Trường Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre, cá bông lau khai thác tự nhiên rất được ưa chuộng, cá có kích cỡ lớn có thể đạt đến 15 kg/con, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, giá bán dao động từ 180-350 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ). Đây là đối tượng được đánh giá có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản nhưng nghề nuôi cá này chưa thật sự phát triển do nguồn giống chưa được sản xuất đại trà và chủ yếu được khai thác từ tự nhiên.

Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện quy trình nghiên cứu. Ảnh: Minh Đảm.

Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện quy trình nghiên cứu. Ảnh: Minh Đảm.

Một số vấn đề còn tồn tại hạn chế trong nghề nuôi cá bông lau hiện nay là nguồn cung giống nhân tạo còn khan hiếm chủ yếu sử dụng con giống khai thác từ tự nhiên, nên nguồn giống có tính mùa vụ và ổn định không cao. Nguồn giống tỷ lệ hao hụt cao do cá còn có tính hoang dã nên khi đưa vào môi trường nuôi nhốt chưa quen với thức ăn nhân tạo và cá hay bị trầy xước trong quá trình đánh bắt cũng như vận chuyển...

Theo nhận định, cá bông lau là loài có tiềm năng nuôi nước lợ, đặc biệt trước tình hình xâm nhập mặn. Hiện nay, cá bông lau được nuôi phổ biến tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre… “Do đó, đề tài nghiên cứu cũng nhằm xây dựng và hoàn thiện quy trình ương, thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất, đồng thời giúp nông dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng thêm thu nhập trên diện tích đất”, bà Vinh cho biết.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Trấn Yên trồng các giống sen mới để phát triển du lịch

YÊN BÁI Huyện Trấn Yên (Yên Bái) mở rộng diện tích trồng các giống sen mới như Super, Quan Âm trắng... nhằm tạo cảnh quan phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Người nuôi thủy sản chưa yên tâm về chất lượng giống

HẢI DƯƠNG Vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc không chủ động được nguồn giống chất lượng là rào cản khai thác thế mạnh này.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách

TS Hà Công Tuấn cho rằng, chính sách khoán đất lâm nghiệp nên chuyển từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, khắc phục sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.