| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng: [Bài 2] Những tuyến mương kêu cứu

Chủ Nhật 13/07/2025 , 20:48 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Xây dựng từ hơn hai thập kỷ trước, hệ thống thủy lợi nội đồng tại Hải Phòng đã xuống cấp và đang trở thành rào cản lớn, kìm hãm sản xuất quy mô lớn.

Những tuyến mương tuổi 20 "kêu cứu"

Thực tế cho thấy, từ những vùng ven đô đến các vùng trọng điểm lúa của Hải Phòng (cũ) như: Kiến An, An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Lão,… một thực trạng chung đang hiện hữu đó là hệ thống thủy lợi nội đồng đã xuống cấp trầm trọng sau hơn hai thập kỷ hoạt động. Những công trình này hiện tại không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn trở thành rào cản lớn nhất trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp và làm giàu của người nông dân.

Tại khu vực phường Thiên Hương - địa phương có hệ thống thủy lợi được đánh giá đang vận hành tốt bậc nhất tại TP Thủy Nguyên (cũ), ông Nguyễn Đắc Duyễn - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thiên Hương chia sẻ: HTX đang quản lý gần 28 km kênh mương các cấp, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha đất nông nghiệp. Hệ thống mương này của xã được xây từ năm 2004, đến nay cũng ngót nghét 20 năm.

Không khó để nhìn thấy những đoạn kênh mương nội đồng xuống cấp trầm trọng như thế này tại Hải Phòng hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Không khó để nhìn thấy những đoạn kênh mương nội đồng xuống cấp trầm trọng như thế này tại Hải Phòng hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

“Qua thời gian, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng. Mỗi vụ, anh em trong tổ thủy nông lại phải đi dọn, khơi thông dòng chảy rất vất vả. Nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước thì không đủ, chúng tôi vẫn phải thu thêm của người dân theo diện tích để trang trải”, ông Duyễn cho hay.

Thực tế, vòng luẩn quẩn “giật gấu vá vai” trong kinh phí duy tu, bảo dưỡng là câu chuyện chung của nhiều địa phương. Tại phường An Phong (khu vực phường An Hòa cũ) một trong những nơi được xem là có hệ thống thủy lợi tốt bậc nhất của quận An Dương (cũ), thực trạng chung cũng không có gì nổi trội hơn.

Ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Hòa, cho biết hệ thống kênh mương tại địa phương đã được xây dựng từ năm 2001, tổng chiều dài kênh mương của phường là 42 km. Về cơ bản những tuyến kênh cấp 1 do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải quản lý cơ bản đảm bảo vận hành, nhưng các kênh cấp 2, cấp 3 do địa phương quản lý hầu hết bị hỏng, đổ sập, phải vá víu loang lổ.

“Điều đáng nói, khu đồng chúng tôi quản lý vẫn còn hơn 20 km là kênh đất. Việc này gây thất thoát nước rất lớn, khó điều tiết và tốn kém chi phí vận hành. Mỗi năm, thành phố có nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương nhưng không đáng kể, số tiền này chỉ đủ để chúng tôi nạo vét, tu bổ nhỏ lẻ các tuyến kênh bị bồi lắng, chứ không thể làm mới hay kiên cố hóa được”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Theo ông Hùng, hệ quả trực tiếp của hạ tầng yếu kém là tình trạng bỏ hoang ruộng đất, khu vực HTX quản lý hiện có 19,5 ha đất không được canh tác thường xuyên, chủ yếu tập trung ở các vùng trũng, khó canh tác do không chủ động được nguồn nước. Khi việc làm nông trở nên quá rủi ro và vất vả, người dân buộc phải rời bỏ mảnh ruộng của mình.

“Trước hết, cần phải đầu tư kiên cố hóa kênh mương. Điều này sẽ giải quyết triệt để bài toán thất thoát nước và lãng phí tài nguyên. Khi nước được dẫn đi trong những con kênh bê tông vững chãi, thay vì những con mương đất lem nhem, hiệu quả tưới tiêu sẽ tăng lên gấp bội, giảm chi phí điện bơm và công sức của người nông dân”, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Hòa chia sẻ về sự cấp bách đầu tư, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng.

Đại điền cũng 'mếu' vì thủy lợi

Sự xuống cấp của hệ thống thủy lợi cũng đang “giáng” những đòn mạnh nhất vào những người nông dân tâm huyết, dám nghĩ dám làm, những người tiên phong trong việc tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn như anh Nguyễn Văn Hùng trú tại xã Việt Khê (xã Ninh Sơn cũ), TP. Hải Phòng. Đây là một trong những người tiên phong đầu tư hàng tỷ đồng để biến vùng đất hoang thành cánh đồng mẫu lớn.

Toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi này do anh Hùng tự đầu tư, nguồn lực hạn chế nên chỉ làm được bờ đất, chức năng tưới và tiêu hạn chế. Ảnh: Đinh Mười.

Toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi này do anh Hùng tự đầu tư, nguồn lực hạn chế nên chỉ làm được bờ đất, chức năng tưới và tiêu hạn chế. Ảnh: Đinh Mười.

Đứng trên bờ thửa, nhìn cánh đồng lúa hơn 30 ha xanh mướt, thẳng tắp, thành quả của gần 7 năm khai hoang phục hóa, anh Nguyễn Văn Hùng không giấu được cảm xúc mà thở dài: “Mình đã bỏ ra đồng tiền rất lớn để cải tạo, mong làm nông nghiệp bài bản. Nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là kênh mương, kém quá, bục vỡ nhiều. Nước bơm từ trạm về đến ruộng mất mấy ngày, thất thoát không biết bao nhiêu mà kể”.

“Cần có hệ thống thủy lợi chủ động, hiện đại để có thể điều tiết nước một cách linh hoạt. Lúc đó, nông dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình kinh tế có giá trị cao”, anh Nguyễn Văn Hùng hiến kế.

Năm 2018, anh Hùng bắt đầu hành trình khai hoang khu vực đồng Tối, một vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang nhiều năm. Với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, anh đã san gạt, cải tạo, biến vùng đất cằn cỗi thành cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 40 ha. Lúa được gieo sạ thẳng hàng, áp dụng cơ giới hóa, hứa hẹn một nền sản xuất hiệu quả. Thế nhưng, giấc mơ làm giàu của anh đang liên tục bị thử thách bởi chính hệ thống mương cũ kỹ.

“Khó nhất là tiêu thoát nước, trận bão Yagi năm 2024 khiến toàn bộ khu ruộng này ngập trắng, lúa hỏng sạch. Anh em chúng tôi kê khai thiệt hại 28 ha, làm đầy đủ hồ sơ nhưng đến giờ, sau hơn 6 tháng, vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào. Mình phải tự bỏ tiền túi ra làm lại từ đầu. Tự làm đường, tự khơi mương. Như con mương thoát nước thải dân sinh kia, nếu tôi không tự bỏ tiền ra đào một đường riêng, nước thải tràn vào ruộng thì cũng hỏng hết”, anh Hùng xót xa nói.

Cũng theo anh Hùng, khi thuê, mượn ruộng bỏ hoang của người dân để canh tác, rủi ro luôn treo lơ lửng trên đầu. Một trận mưa lớn, một đợt xả lũ bất thường có thể cuốn trôi toàn bộ công sức và vốn liếng. Việc thiếu chủ động về nước khiến anh không dám mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Không tiếc công sức, tiền của để hồi sinh những cánh đồng hoang thành những ruộng lúa xanh mướt nhưng cái anh Hùng đang tâm tư nhất chính là thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Không tiếc công sức, tiền của để hồi sinh những cánh đồng hoang thành những ruộng lúa xanh mướt nhưng cái anh Hùng đang tâm tư nhất chính là thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

“Bây giờ mà không có hệ thống thủy lợi tốt thì thật sự không làm được nông nghiệp, không thể phát triển được nữa. Nếu phải đi thuê lại ruộng của dân với giá cao, cộng thêm chi phí đầu tư, rủi ro thiên tai thế này thì không có lãi, thậm chí lỗ nặng”, anh Hùng khẳng định.

Thực tế, câu chuyện của anh Hùng không phải là cá biệt mà chính là lát cắt điển hình cho thực trạng hạ tầng thủy lợi nội đồng cũ kỹ đang kìm hãm khát vọng làm giàu trên những cánh đồng của nông dân thành phố Cảng. Đây cũng là lời cảnh báo đanh thép: nếu hạ tầng không theo kịp, những mô hình sản xuất lớn, hiện đại sẽ khó có thể tồn tại và nhân rộng. Khát vọng vươn lên làm giàu từ những cánh đồng, hạn chế việc bỏ ruộng hoang và làm nông nghiệp tử tế của những người như anh Hùng rất dễ bị dao động nếu hệ thống thủy lợi không được đầu tư, hiện đại hóa kịp thời. "Đã đến lúc phải coi việc nâng cấp, hiện đại hóa thủy lợi nội đồng là vấn đề cấp bách”, anh Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn.

“Đầu tư cho thủy lợi chính là đầu tư cho an sinh xã hội, giữ chân người nông dân ở lại với ruộng đồng. Khi việc canh tác trở nên thuận lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, nông nghiệp sẽ trở thành một ngành nghề hấp dẫn, không chỉ với thế hệ đi trước mà cả với những người trẻ. Những mảnh ruộng bỏ hoang sẽ được hồi sinh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thành phố và tạo ra những vùng nông thôn mới trù phú, đáng sống”, ông Nguyễn Đắc Duyễn - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thiên Hương chia sẻ thêm.

Xem thêm
Chăn nuôi, thú y Nghệ An chuyển mình mạnh mẽ

Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn như TH, Vinamilk, Masan... cùng nhập cuộc đã nâng tầm rõ rệt diện mạo của ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An.

Phú Thọ lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

PHÚ THỌ Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Thọ lập 2 đoàn kiểm tra, chỉ đạo phát triển chăn nuôi, thủy sản và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại 8 xã trên địa bàn.

7.000 cây cau mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng

THANH HÓA Với 14.000 gốc cau, trong đó 7.000 cây đã cho thu hoạch, tốn ít công chăm sóc, thương lái thu mua tại vườn, ông Dũng có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Phát triển ngành dược liệu An Giang theo hướng 'đất lành, thuốc quý, sinh kế xanh'

An Giang đang phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, kết hợp bảo tồn, tạo sinh kế xanh và xây dựng chuỗi giá trị gắn du lịch với y học cổ truyền.

Bình luận mới nhất