Trả lời:
Do các loại hóa chất BVTV truyền thống gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người nên trong những năm gần đây nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước ta, đang chuyển dần sang nghiên cứu, sản xuất và sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học.
Dựa vào các kết quả điều tra thiên nhiên, lợi dụng các vi sinh vật có ích như các loài ký sinh thiên địch tự nhiên và cao hơn nữa là nhân nhanh một số nguồn vi sinh vật để sản xuất hàng loạt các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ nấm, côn trùng, vi khuẩn (Bt), virus (NPV, GV), tuyến trùng, các nấm đối kháng, các xạ khuẩn nhằm dần dần thay thế các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, trong các chương trình hợp tác với nước ngoài, cho đến nay Viện BVTV phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài ngành tiến hành nghiên cứu, sản xuất và đưa ra ứng dụng thành công một số công nghệ SX thuốc trừ sâu sinh học như:
- Công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh vật trên cơ sở tạo bào tử mang tính độc tố Endotoxin của vi khuẩn Bacillus thuringiensis trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu đo, sâu khoang hại rau và các cây hoa màu.
- Công nghệ sản xuất và sử dụng các chế phẩm nấm gây hại côn trùng như nấm trắng Beauveria bassiana, nấm xanh Metathizium anisopliae, Metathizium flavoviridae trừ sâu róm thông, rầy nâu hại lúa, sâu đo hại đay, châu chấu hại ngô, mía. Nấm Trichoderma và một số xạ khuẩn trừ bệnh hại cây trồng như bệnh héo rũ lạc, bệnh sọc vằn hại ngô, lúa.
- Công nghệ sản xuất và sử dụng các chế phẩm virus trừ sâu xanh hại bông, virus trừ sâu tơ, sâu khoang hại rau, virus trừ sâu keo da láng, virus trừ sâu xanh hại đay và virus trừ sâu róm hại thông rừng...
Về ưu điểm: Thuốc trừ sâu sinh học không gây độc hại cho người và gia súc, không nhiễm bẩn môi trường, ít thấy khả năng kháng thuốc của sâu hại; không ảnh hưởng đến chất lượng, phẩm chất nông sản, đất trồng và không khí trong môi trường (do không để lại dư lượng); không làm hại thiên địch và những vi sinh vật có lợi với con người; nếu sử dụng hợp lý, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả sử dụng thường kéo dài vì chúng không chỉ tiêu diệt trực tiếp lứa sâu đang phá hoại mà chúng còn có thể lan truyền cho thế hệ tiếp theo.
Tuy nhiên, thuốc trừ sâu sinh học cũng có nhiều nhược điểm như: tác động chậm hơn thuốc hóa học, phổ tác dụng hẹp; một vài loại thuốc bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết nên hạn chế đến kết quả. Công nghệ SX phức tạp, thủ công nên giá thành thường cao hơn thuốc trừ sâu hóa học nhập nội nên nông dân ít sử dụng. Tùy theo từng nguồn vi sinh vật hữu ích mà công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu sinh học có các công đoạn khác nhau: đơn giản hay phức tạp, thủ công hay công nghiệp, qui mô nhỏ hay sản xuất lớn, v.v…
Theo yêu cầu của bạn chúng tôi nêu tóm tắt “Công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh Bacillus thuringiensis theo phương pháp lên men chìm” của Viện Công nghệ thực phẩm như sau: Giống ống thạch--->Nhân giống cấp 1 (bình tam giác, môi trường, không khí vô trùng)---> Nhân giống cấp 2 (nồi lên men 500 lít)--->Lên men (nồi 5.000 lít)--->Phối chế (chất phụ gia + chất bảo quản)--->Đóng chai.
Theo PGS.TS. Ngô Đình Bính, Viện Công nghệ sinh học (Viện KH-CN Việt Nam), mỗi một gen cho ra một protein độc tố có khả năng tiêu diệt một loại sâu nhất định. Do vậy, để SX được chế phẩm trừ được nhiều loại sâu các nhà khoa học đã cấy chuyển để đưa chúng vào một chủng Bt. Chủng giống này được cấy vào bình lên men, trong điều kiện nhiệt độ thích hợp (28-300C) sau khoảng 52-54 giờ sẽ cho dịch thể chứa các tinh thể protein độc tố. Chỉ cần thêm chất bám dính, chất chống tia tử ngoại và chất tạo sức căng bề mặt vào dịch thể là có thể đem phun ngay. Nếu muốn tạo chế phẩm dạng bột thì đem li tâm, sấy phun rồi bổ sung thêm các chất đã nêu và chất bảo quản.