Hiện nay, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Quảng Nam đang bước vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở khu vực. Nhận định được điều này, chính quyền các cấp cũng như lực lượng chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác bảo vệ, chống cháy rừng.

Người dân Quảng Nam thường xuyên kiểm tra diện tích rừng sản xuất vào cao điểm mùa khô. Ảnh: L.K.
Tại huyện miền núi Nam Giang với diện tích rừng lớn, lên đến 125.000ha, lãnh đạo địa phương này cho biết, như những năm trước, huyện đã xây dựng, triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy rừng ngay từ đầu năm. Trong đó, Hạt kiểm lâm huyện được phân công túc trực 24/24 giờ, đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát các điểm có nguy cơ cháy rừng cao, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền lưu động đến người dân, đặc biệt là ở các xã vùng cao.
Huyện Nam Giang xác định, nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng thì người dân luôn được xem là lực lượng tuyến đầu. Ông Ka Pu Beng, một hộ dân có 20ha rừng ở xã Cà Dy (huyện Nam Giang) chia sẻ: “Từ khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, tôi và bà con đều nhận thức được bảo vệ rừng chính là bảo vệ sinh kế. Do đó, tôi lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị để dập lửa. Đồng thời, bà con cũng luôn được khuyến cáo về việc không hút thuốc khi đi vào rừng cũng như hạn chế đốt thực bì bừa bãi vào mùa khô”.

Ngành chức năng tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: L.K.
Còn tại huyện Nam Trà My, với diện tích rừng được giao quản lý là 54.000ha, Ban quản lý rừng phòng hộ địa phương này đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để bảo vệ, chống nguy cơ cháy rừng. Ông Nguyễn Vĩnh Hiền, Phó Giám đốc ban cho biết, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phối hợp với kiểm lâm và UBND các xã, đơn vị còn giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, nhân việc bảo vệ rừng.
“Chúng tôi hướng dẫn người dân đốt thực bì đúng cách, chỉ đốt khi thời tiết cho phép và có sự giám sát của lực lượng chức năng, đồng thời tạo ranh giới chống cháy rõ ràng. Nhờ đó, từ đầu mùa khô đến nay, trên diện tích rừng đơn vị quản lý chưa ghi nhận vụ cháy rừng nào đáng kể”, ông Hiền thông tin.
Song song với vai trò của cộng đồng, các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các ban quản lý, trạm kiểm lâm và tổ phòng cháy chữa cháy rừng xã – thôn vẫn là lực lượng then chốt trong kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Ở các huyện như Phước Sơn, Đông Giang, ngay khi thời tiết chuyển hanh khô, các tổ đội phòng cháy chữa cháy tại cơ sở được kiện toàn, trang bị đủ dụng cụ chữa cháy như bình bơm nước, vĩ dập lửa, dao rựa…

Nhiều ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam thường xuyên phối hợp để tổ chức các đợt tuần tra rừng. Ảnh: L.K.
Đáng chú ý, công tác tuần tra không chỉ dừng ở việc giám sát mà còn gắn với hướng dẫn trực tiếp cho người dân cách tạo đường ranh cản lửa, phát dọn có kiểm soát và quản lý nguồn lửa. Nhờ đó, việc đốt nương làm rẫy – vốn là một trong những nguyên nhân lớn gây cháy rừng đang dần được kiểm soát tốt hơn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đến nay, ngành kiểm lâm tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chủ rừng, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của 360 tổ, đội với gần 3.000 thành viên tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Nếu như 2024, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng, thiệt hại diện tích hơn 12ha thì đầu năm đến nay, Quảng Nam chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chuyên trách nắm chắc tình hình nguy cơ cháy rừng; xây dựng APP (ứng dụng) quản lý cháy rừng từ xa. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tuyên truyền mạnh về tác hại của cháy rừng để người dân hiểu và thực hiện, đồng thời tham gia với chính quyền,... dập đám cháy nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra”.