TP Huế hiện có hơn 100.000ha rừng trồng, trong đó có hơn 77.000ha có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng, đặc biệt là khu vực trọng điểm rừng trồng thông (hơn 4.700ha) và rừng trồng cây bản địa (hơn 6.600 ha).
Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) vào mùa nắng nóng gay gắt, Kiểm lâm TP Huế cho biết, sẽ thiết lập tổ bay kiểm tra cảnh báo sớm thông tin cháy rừng, xây dựng kế hoạch huấn luyện bay cho các đơn vị trực thuộc, đảm bảo vận hành, sử dụng thiết bị một cách hiệu quả; đề xuất mượn và mua thêm thiết bị bay không người lái (flycam) cho một số đơn vị để triển khai kiểm tra thông tin cảnh báo cháy rừng, theo dõi diện tích rừng trên địa bàn được giao quản lý.

Kiểm lâm TP Huế tập huấn sử dụng thiết bị bay trong công tác PCCCR và giám sát tài nguyên rừng. Ảnh: Văn Dinh.
Lãnh đạo Kiểm lâm TP Huế yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng sẵn sàng, phương tiện sẵn sàng, hậu cần sẵn sàng, chỉ huy sẵn sàng và thông tin sẵn sàng); tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; hướng dẫn các chủ rừng, cộng đồng dân cư lập phương án PCCCR theo quy định; lưu ý các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng, lực lượng tham gia PCCCR; triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý thực bì để trồng rừng của người dân và các chủ rừng; xây dựng hướng dẫn xử lý thực bì bằng phương pháp đốt, lưu ý các nội dung thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật; đảm bảo các tuyến đường tiếp cận vị trí cháy cho các lực lượng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Có kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng hoặc vi phạm quy định an toàn PCCCR và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.
Ngoài ra, các Hạt Kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR theo dõi thường xuyên diễn biến trong ngày và có mặt tại khu vực xảy ra cháy rừng trong thời gian nhanh nhất đồng thời báo cáo ngay tức thì với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm khi nhận thông tin, cập nhật thông tin 5 phút/lần…
Hiện, TP Huế đã xác định được 5 vùng trọng điểm cháy rừng, gồm Vùng 1: Bắc Hải Vân đến đèo La Hy, diện tích có rừng trồng có nguy cơ cháy là 15.065,25ha; Vùng 2: quận Thuận Hóa - thị xã Hương Thủy, diện tích có rừng trồng có nguy cơ cháy là 15.218,23ha; Vùng 3: quận Phú Xuân, thị xã Hương Trà và tuyến quốc lộ 49 thuộc địa phận thị xã Hương Trà, diện tích có rừng trồng có nguy cơ cháy là 18.594,77ha; Vùng 4: A Lưới và tuyến quốc lộ 49 thuộc địa phận huyện A Lưới, diện tích có rừng trồng có nguy cơ cháy là 12.382,86ha; Vùng 5: thị xã Phong Điền – huyện Quảng Điền, diện tích rừng trồng có nguy cơ cháy là 9.919,09ha.

Để phòng chống cháy rừng trong thời gian tới, TP Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Ảnh: Văn Dinh.
Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cho hay, địa bàn có diện tích rừng rộng lớn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (hơn 77%). Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND các xã củng cố và duy trì lực lượng chữa cháy tại các thôn, bản. Tăng cường bám sát hiện trường tại các vùng trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, nghiêm cấm sử dụng lửa đốt ong, đốt thực bì vào mùa nắng nóng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Huế - Hoàng Hải Minh, ngay từ khi bước vào mùa nắng nóng, UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý bảo vệ rừng - PCCCR; gắn trách nhiệm cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ thôn bản trong công tác quản lý và giám sát tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ rừng - PCCCR với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Tăng cường công tác thực thi pháp luật về lâm nghiệp, xử lý đúng quy định pháp luật; có chế độ khen thưởng các gương điển hình.
“Các địa phương, các ngành, chủ rừng cần giữ nguyên tắc, quan điểm phòng cháy là quyết định; trong chữa cháy phải “phát hiện sớm, phản ứng nhanh, xử lý hiệu quả”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng. Tăng cường mua sắm trang thiết bị chữa cháy; soát xét lại phương án huy động lực lượng, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả”, ông Minh nhấn mạnh.
Năm 2024, TP Huế ghi nhận 47 vụ cháy với tổng diện tích 47,7ha (so với năm 2023, số vụ cháy giảm 19 vụ, diện tích cháy giảm 12,53 ha). Trong 47 vụ cháy có 37 vụ cháy rừng diện tích 33,39ha trong đó (có 7 vụ cháy rừng gây thiệt hại, với diện tích cháy rừng là 3,08ha; so với năm 2023, số vụ cháy rừng gây thiệt hại giảm 15 vụ, diện tích thiệt hại giảm 22,53ha). Tỷ lệ che phủ rừng hiện đang đạt 57,18%.