Vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 29/7/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 2094/QĐ-UBND về “Kế hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025”.

Hiện tỉnh Khánh Hòa chủ yếu cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ảnh: KS.
Sau đó, ngày 2/12/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ban hành Quyết định số 3324/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2094/QĐ-UBND, theo đó đã xác định 6 khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gồm tại thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (19,58ha); thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa (2,19ha); thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn (1,47ha); tổ dân phố Nghĩa Phú, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (3,48ha); thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (5,99ha); thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh (3,26ha).
Ngày 22/12/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3516/QĐ-UBND về phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và kêu gọi đầu tư 6 khu giết mổ tập trung trên cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa.
Đến ngày 5/6/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 5471 về triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, trong đó giao nhiệm vụ UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ đề xuất có thời gian và phân công đơn vị trình theo Quyết định 3660/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành hướng dẫn thủ tục thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với các dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách được UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 3/10/2024, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 2580/QĐ-UBND về sửa đổi Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 về kế hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025.
Trong đó, xác định 6 điểm phù hợp với các quy định về khoảng cách: địa điểm tại thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (19,58ha); thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa (2ha); thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn (1,47ha); thôn Sông Cạn Đông, xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh (8,9ha); thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (3ha); thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh (3,26ha).
Trong kế hoạch tại Quyết định số 2094/QĐ-UBND, tỉnh cũng đưa ra phương án tổ chức di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Tuy nhiên cho đến nay, theo ông Huỳnh Kim Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa vẫn chưa có khu giết mổ tập trung được cấp phép và xây dựng.
Trong khi đó, hiện toàn tỉnh có 118 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gồm có 17 cơ sở giết mổ bò, 80 cơ sở giết mổ lợn và 21 cơ sở giết mổ gia cầm, phân bổ rãi rác trên địa bàn các địa phương.
Hàng ngày, Chi cục đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát bình quân 2.550 con động vật đưa vào giết mổ (bò: 50 con, 500 con lợn và 2.000 con gia cầm). Điều đáng nói, phần lớn cơ sở có công suất giết mổ ít, mức thu phí kiểm soát giết mổ theo quy định thấp (14.000 đồng/con bò, 7.000 đồng/con lợn, 200 đồng/con gia cầm) nên gặp khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Thiếu cơ chế chính sách hấp dẫn
Theo ông Khánh, sở dĩ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, chi phí đầu tư cho khu giết mổ tập trung khá cao nên các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư, đồng thời chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư cũng như di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung.
Mặt khác, theo Quy chuẩn số QCVN 01-150:2017/BNNPTNT của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), vị trí các điểm quy hoạch khu giết mổ tập trung phải đảm bảo khoảng cách nên khá xa khu vực trung tâm, chưa được thuận lợi trong việc đầu tư, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Đặc biệt, hiện doanh nghiệp đầu tư vào khu giết mổ tập trung đang lo lắng nhất là khi hình thành khu giết mổ tập trung nhưng không di dời được cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào. Từ đó kéo theo số lượng gia súc, gia cầm giết mổ không đủ công suất vì vậy khó thu hồi vốn.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho rằng, tỉnh cần có một chính sách hấp dẫn, cụ thể hơn để khuyến kích về việc di dời, dẹp bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện nay và 100% động vật được đưa vào khu giết mổ tập trung.

Ngành Chăn nuôi và Thú y nỗ lực kiểm soát chất lượng sản phẩm thịt tại các cơ sở nhỏ lẻ. Ảnh: KS.
“Để thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, tôi nghĩ cần ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ việc di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung. Cùng với đó, hướng dẫn cụ thể và cơ chế được xây dựng các nhà máy giết mổ, khu giết mổ hiện đại trong các cụm khu công nghiệp, gần khu vực trung tâm để tạo điều kiện cho việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán đảm bảo nguồn thực phẩm”, ông Khánh bày tỏ.
Được biết, ngày 4/4 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 3791/UBND chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu trình hồ sơ Nghị quyết chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030 trước ngày 10/11/2025.
Sau đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 827/SNNMT-CNTY về việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2025-2030. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tổng hợp và hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo và tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, các nhân và đơn vị trên hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, tại hồ sơ dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù sẽ tập trung hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ 100% năm thứ nhất và 50% cho năm thứ hai kể từ khi khu giết mổ tập trung đi vào hoạt động đối với phí dịch vụ giết mổ và phí kiểm soát giết mổ cho cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong giai đoạn 2025 - 2030.
Nhà nước hỗ trợ phí vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu giết mổ tập trung cho các cá nhân đăng ký và thực hiện giết mổ tại khu giết mổ tập trung, thời gian được hỗ trợ 1 năm. Hỗ trợ một phần chi phí cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã nâng cấp, cải tạo, mua thiết bị công nghệ trong hoạt động giết mổ.
Theo ông Khánh, nếu được thông qua, chính sách này góp phần tạo yên tâm cho nhà đầu tư, khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các khu giết mổ tập trung. Đồng thời hỗ trợ phần nào trong việc di dời, dẹp bỏ cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư như hiện nay, hình thành các khu giết mổ tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.