Coi vaccine như khoản đầu tư giảm rủi ro
Ông Tẩn Láo Tả ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) đang nuôi 7 con lợn sinh sản. Cứ mỗi lứa, ông xuất chuồng khoảng 15-20 con lợn giống. Để duy trì đàn lợn sinh sản ổn định, ông quyết định tiêm đủ các mũi vaccine theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Cán bộ thú y Bát Xát tiêm vaccine cho lợn đen bản địa. Ảnh: H.Đ.
“Một con lợn mẹ, năm sinh sản 2 lần, mỗi lứa khoảng chục con. Sau khi tách đàn và nuôi được khoảng 1,5 tháng thì gia đình xuất bán. Chính vì vậy, để đảm bảo lợn giống khỏe mạnh, gia đình cho lợn tiêm mũi cơ bản 3 bệnh gồm tả cổ điển, tụ huyết trùng và phó thương hàn”, ông Tẩn Láo Tả chia sẻ.
Ngoài ra, ông này còn cho đàn lợn tiêm thêm vaccine lepto, tai xanh và tả lợn Châu Phi. Đây là những loại vaccine mà hộ chăn nuôi phải bỏ tiền ra mua.
“Trên này, người ở thưa, được cách ly tốt và khử trùng tốt nên không phải lúc nào lợn cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy vậy, nhà tôi vẫn phun khử trùng, rắc vôi bột mỗi tuần một đến hai lần”, ông Tẩn Láo Tả cho hay.
Tuy nhiên, không ít hộ dân đã từ chối mua vaccine và chấp nhận rủi ro dịch bệnh khiến lợn chết cả đàn… Là một trong số ít hộ chăn nuôi lợn có quy mô, ông Hoàng Văn Phúc ở xã Bản Vược tiêm phòng 100% vaccine tả lợn Châu Phi cho đàn gia súc.
“Vaccine 3 bệnh được nhà nước hỗ trợ còn tả lợn Châu Phi, chủ nhà phải bỏ tiền ra mua. Nếu không tiêm như năm ngoái, lợn trong đàn vẫn bị chết tỉa, thiệt hại lắm”, ông Hoàng Văn Phúc cho hay.
Cũng theo ông này, chi phí tiêm vaccine tả lợn Châu Phi là khá lớn đối với bà con vùng cao, miền núi. Cứ mỗi đợt tiêm phải bỏ ra số tiền từ một vài triệu đến cả chục triệu đồng. Song, nếu không đầu tư tiêm vaccine cho đàn lợn thì nguy cơ “phá sản” là rất cao, bởi toàn bộ số tiền làm trại chăn nuôi đều đi vay của người thân và ngân hàng…
Mặc dù, đàn đại gia súc trên địa bàn huyện Bát Xát từ năm 2020-2025 cơ bản ổn định, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long mong, tụ huyết trùng trâu bò… Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cho biết, trên đàn lợn vẫn xảy ra dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Hộ chăn nuôi ở Bát Xát phun khử khuẩn chuồng trại. Ảnh: H.Đ.
Chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó cho phòng bệnh
Trong khi những hộ nuôi sản xuất kinh doanh nhận rõ việc phòng bệnh cho vật nuôi bằng vaccine nhưng không ít hộ còn thờ ơ với việc này. Có nhiều nguyên nhân, song chi phí tiêm vaccine khiến hộ nuôi nhỏ lẻ, một vài con e ngại.
Do đó, tỷ lệ tiêm phòng vaccine tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Bát Xát khá thấp. Trong số 40.000 con lợn do bà con chăn nuôi trên địa bàn, thì mới tiêm được khoảng 4.000 liều vaccine tả lợn Châu Phi.
Theo ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Thú y Bát Xát lý giải, chăn nuôi trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ, ít áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác, đời sống một bộ phận người dân vùng cao khó khăn, có tâm lý trông chờ hỗ trợ từ nhà nước. Trong khi, vaccine tả lợn Châu Phi có giá thành cao, 69.000 đồng/liều, nên việc phổ rộng gặp trở ngại.
“Mỗi một lọ vaccine tả lợn Châu Phi có 10 liều, (gần 700.000 đồng), tiêm được 10 con lợn. Tuy nhiên, các hộ nuôi nhỏ lẻ 2-3 con, nếu tiêm sẽ phải mua một lọ hoặc phải rủ hộ khác cùng tiêm cho đàn lợn. Do vậy, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ thờ ơ với việc tiêm vaccine này cho đàn vật nuôi”, ông Đào Văn Tâm chia sẻ thêm.
Một số nguyên nhân khác đó là, công tác chỉ đạo tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt. Tại các xã vùng cao, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn phổ biến, tư tưởng một số bộ phận nhân dân vẫn không muốn tiêm phòng cho gia súc; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi ăn toàn sinh học;
Chuồng nuôi còn ở gần khu dân cư, chưa có nơi giết mổ gia súc tập trung dẫn đến dễ lây nhiễm chéo và phát tán dịch bệnh…
Cùng với việc cảnh báo người chăn nuôi nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gây thiệt hại kinh tế hộ gia đình, ông Đào Văn Tâm cho rằng, cần tăng cường giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, xử lý chôn hủy động vật mắc bệnh; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật…
Đồng thời, tuyên truyền vận động hướng dẫn người chăn nuôi sớm nhận biết các dấu hiệu của các loại dịch bệnh nguy hiểm để phát hiện sớm các ổ dịch và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh…