
Chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam là nghề truyền thống lâu đời, không những giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Ảnh minh hoạ.
Khó khăn kép
Tại hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững" ngày 22/5 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn và hơn 2 tỷ quả trứng năm 2024. Đến nay, sản phẩm thịt gà và trứng của Việt Nam đã được chấp thuận nhập khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Úc, Lào, Campuchia, Myanmar và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Tuy sản xuất tăng trưởng dương, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, hiệu quả chăn nuôi gia cầm đang giảm dần. Ngoại trừ khu vực chăn nuôi công nghiệp, năng suất chăn nuôi nói chung còn thấp, trong khi giá thành sản phẩm cao, làm giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.
Theo ông Sơn, hệ thống ngành chăn nuôi gia cầm hiện vẫn bị cắt khúc, thiếu sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị. Hiện tại, mới chỉ hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất gà thịt do các tập đoàn như C.P, De Heus, Japfa, Dabaco triển khai. Phần lớn các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững khiến sản xuất và tiêu thụ thiếu đồng bộ.
“Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn hạn chế. Nguyên nhân khách quan có thể do thị trường chưa thật sự chuyên nghiệp, thiếu minh bạch và mất cân đối giữa khâu sản xuất và tiêu thụ. Giá sản phẩm chăn nuôi khi đến tay người tiêu dùng vẫn cao gấp 2 – 2,5 lần so với giá thu mua tại trại, làm giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng và tạo áp lực ngược trở lại cho người chăn nuôi”, ông Sơn nhấn mạnh.

Việt Nam đã sản xuất hơn 2 tỷ quả trứng vào năm 2024. Ảnh minh hoạ.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ngành nuôi gia cầm Việt Nam đang đối mặt với khó khăn kép do thị trường tiêu thụ chưa cao, dịch bệnh và nhập khẩu giống tăng mạnh.
Việt Nam hiện đang nhập khẩu đến 80 – 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, gần 100% giống gà công nghiệp và khoảng 80% vacxin, thuốc thú y. Thịt gà nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch mỗi năm chiếm khoảng 25 - 26% tổng sản lượng tiêu thụ, với 270.000 - 300.000 tấn thịt gà đông lạnh mỗi năm, chưa kể lượng lớn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Trong khi sản phẩm gia cầm Việt Nam xuất ra thế giới còn hạn chế do các rào cản thuế quan và quy định kỹ thuật ở các thị trường xuất khẩu.
“Môi trường pháp lý và thủ tục hành chính của ngành vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, chấp thuận chủ trương đầu tư là thủ tục hành chính không có mục tiêu quản lý rõ ràng, không phù hợp với cơ chế thị trường và vi phạm quyền tự do kinh doanh, gây ra nhiều tác động bất lợi đối với môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tuy nhân văn nhưng thiếu nguồn lực và cơ chế giám sát chặt chẽ nên tính khả thi còn thấp. Hệ thống pháp luật hiện tại chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực sản xuất, khiến tiềm năng phát triển bị hạn chế”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam dẫn chứng.
Cũng theo ông Sơn, các yếu tố như dịch bệnh gia súc, gia cầm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và thu hẹp quỹ đất đang cản trở nghiêm trọng khả năng mở rộng chăn nuôi gia cầm.

PGS.TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam phát biểu tại hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững" ngày 22/5. Ảnh: Phương Linh.
Tập trung vào chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng
Trước biến động thị trường ngày càng phức tạp, ngành gia cầm Việt Nam cần một hướng đi mới mang tính chiến lược và đồng bộ để đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế gia cầm. Thay vì chỉ chạy theo số lượng, chúng ta tập trung vào cả chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng sẽ là thước đo chính cho sự phát triển bền vững của ngành gia cầm Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, toàn ngành phải bắt tay với nhau để tạo mối liên kết dọc – ngang, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng. Hệ thống sản xuất và thương mại gia cầm cần tái cơ cấu toàn diện, xác định rõ vai trò của từng chủ thể trong chuỗi giá trị, từ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp FDI và trong nước đến các hộ nông dân. Trong đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt chuỗi, chia sẻ lợi ích và công nghệ với các tác nhân nhỏ hơn trong hệ sinh thái sản xuất.
Nhằm khơi thông thị trường nội địa, Việt Nam có thể xem xét hạ giá thành sản phẩm thông qua tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại hệ thống phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của thịt và trứng gia cầm an toàn, giàu dinh dưỡng, từ đó tạo động lực tiêu dùng bền vững.
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam nên sớm xây dựng một chương trình tổng thể phát triển xuất khẩu sản phẩm gia cầm giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến 2045, bao gồm định hướng thị trường mục tiêu, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ký kết các hiệp định thú y và thúc đẩy đàm phán thương mại.
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động phối hợp xây dựng chuỗi giá trị gia cầm chính như: Chuỗi thịt gà lông màu phục vụ nội địa, chuỗi gà lông trắng phục vụ xuất khẩu, chuỗi trứng thương phẩm trong nước và chuỗi trứng chế biến phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất chăn nuôi và nhập khẩu chọn lọc các giống ưu việt chưa tự sản xuất được nhằm phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.