Giá trứng thấp, người chăn nuôi gia cầm 'gánh lỗ' từng ngày
Chủ Nhật 04/05/2025 , 09:55 (GMT+7)
Giá trứng xuống thấp kéo dài trong suốt thời gian qua đang khiến người chăn nuôi gà thua lỗ nặng, áp lực bủa vây.
Giá trứng thấp, người chăn nuôi gia cầm ‘gánh lỗ’ từng ngày
Giữa vùng đất thuần nông thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, trang trại gà đẻ trứng của anh Nguyễn Chí Phương từng được xem là một mô hình chăn nuôi tiêu biểu. Với 7.000 con gà, mỗi ngày anh xuất ra hơn 5.000 quả trứng – con số mơ ước với nhiều nông hộ. Thế nhưng, niềm vui từ mô hình kinh tế ổn định ấy giờ đây đang dần bị phủ bóng bởi những biến động khó lường của thị trường.
Anh NGUYỄN CHÍ PHƯƠNG
Thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Trong 9 năm tôi làm chăn nuôi, từ năm ngoái đến năm nay thực sự là khó khăn,giá cả rẻ quá khiến bà con thua lỗ rất nhiều, hiện tại gá cả khoảng 1300 – 1400 đ thì tôi đang lỗ 300N một ngày, nhà tôi nuôi 7000 gà như vậy đang lỗ 2tr đồng/ ngày.
Không riêng gì trang trại của anh Phương, khó khăn chung đang đè nặng lên toàn ngành chăn nuôi gia cầm. Giá trứng và thịt gia cầm sụt giảm liên tục khiến nhiều hộ lao đao.
PV TS. VŨ HOÀNG LÂN
Trưởng phòng chăn nuôi, thủy sản – Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có khoảng trên 12tr con gia cầm, trong thời gian vừa qua ngành chăn nuôi gia cầm của cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt giá cả, trong thời gian vừa qua giá trứng thịt gia cầm đều thấp hơn giá thành sản xuất do đó người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn có yếu tố dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ, nó ảnh hưởng đến việc sản xuất chăn nuôi.
Từ mức giá trên 1.900 đồng/quả năm trước, giúp mỗi tháng anh Phương thu lãi hàng chục triệu đồng, nay giá trứng chỉ quanh mốc 1.100 - 1.300 đồng. Sự chênh lệch này khiến mô hình chăn nuôi vốn ổn định nay trở thành gánh nặng. Việc duy trì đàn gà không chỉ là bài toán tài chính mà còn là áp lực tâm lý lớn với người nuôi.
Anh NGUYỄN CHÍ PHƯƠNG
Thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Mong muốn nhất của bà con chăn nuôi lúc này là làm sao giá cả ổn định, mong muốn trứng gà được giá 1900 – 2000 Đ trở lên là có lãi.
Giá trứng gà thấp kéo dài từ sau Tết đến nay, chủ yếu do nguồn cung dồi dào từ các cơ sở chăn nuôi, vượt quá nhu cầu tiêu thụ. Trước áp lực thua lỗ, anh Phương đã chủ động chuyển hướng: một phần đàn gà của anh được nuôi theo hướng sử dụng thảo dược để tạo ra trứng sạch, có giá bán cao hơn. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời với quy mô nhỏ.Trong bối cảnh khó khăn này, việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết đang được các chuyên gia khuyến khích.
PV TS. VŨ HOÀNG LÂN
Trưởng phòng chăn nuôi, thủy sản – Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc
Với những khó khăn như vậy thì theo chúng tôi khuyến cáo bà con cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, thứ nhất là thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, để tránh dịch bệnh đảm bảo đầu con không bị thất thoát, thứ 2 là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bà con có thể áp dụng quy trình chăn nuôi việt gap, theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, tiếp cận được với các thị trường chất lượng cao.
Phía sau mỗi quả trứng là bao công sức, kỳ vọng của người nông dân. Để chăn nuôi không còn là canh bạc may rủi, thì việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm là con đường tất yếu mà ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm, phải đi nếu muốn phát triển bền vững.
Chủ động được đầu vào - đầu ra, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ giúp những mô hình nhỏ lẻ như của anh Phương trụ vững, mà còn là chìa khóa giúp hàng triệu nông dân khác giữ vững niềm tin, tiếp tục gắn bó với nghề chăn nuôi gia cầm - một trong những ngành sản xuất quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và an ninh lương thực của đất nước.