
Trong quý I/2025, toàn tỉnh An Giang đã tiêm hàng triệu liều vaccine phòng cúm H5N1, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trong những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang đứng trước nhiều khó khăn do giá cả đầu ra biến động, chi phí thức ăn tăng cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn thường trực. Để giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công tác chủ động phòng bệnh cho vật nuôi được xác định là then chốt để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang, tính đến nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh gồm: gần 45.000 con trâu, bò, khoảng 125.000 con heo, hơn 7,9 triệu con gia cầm. Ngoài ra, còn có gần 9.300 con dê, 3.200 con thỏ và trên 1.200 nhà nuôi chim yến. Đây là nguồn lực quan trọng phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt khâu phòng bệnh.
Ông Phạm Thành Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động tiêm phòng vaccine, thực hiện vệ sinh tiêu độc định kỳ và giám sát dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm. Trong quý I/2025, toàn tỉnh đã tiêm hàng triệu liều vaccine phòng cúm H5N1, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo Châu Phi với tỷ lệ bảo hộ đạt trên 80% đối với nhiều loại vật nuôi chủ lực.
“Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng cùng sự thay đổi nhận thức tích cực từ người dân, ngành chăn nuôi An Giang đang từng bước chuyển mình theo hướng an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường. Công tác chủ động phòng bệnh không chỉ giúp vật nuôi khỏe mạnh mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương”, ông Quang kỳ vọng.

Công tác chủ động phòng bệnh không chỉ giúp vật nuôi khỏe mạnh mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, ông Lưu Minh Bảo, một hộ chăn nuôi heo lâu năm chia sẻ: Gia đình từng thiệt hại nặng vì heo nhiễm dịch bệnh. Từ đó, ông Bảo luôn đặc biệt chú trọng việc tiêm vaccine đầy đủ theo định kỳ quy định của ngành thú y, khử trùng chuồng trại thường xuyên, kiểm soát người ra vào và đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ vậy, nhiều năm nay đàn heo của ông nuôi luôn phát triển ổn định, không mắc bệnh, cho năng suất cao và bán được giá cho thương lái.
Không chỉ các hộ nuôi nhỏ lẻ, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở An Giang cũng xác định vaccine phòng bệnh là “chìa khóa” để tăng hiệu quả sản xuất.
Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Châu Thành cho biết: Công ty đầu tư bài bản từ khâu giống, thức ăn, chuồng trại đến công tác phòng bệnh. Hàng tháng, trang trại phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm, đồng thời thực hiện vệ sinh tiêu độc định kỳ. Nhờ đó, vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Song song với công tác tiêm phòng, lực lượng thú y cơ sở còn tích cực theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vật nuôi có dấu hiệu bệnh. Trong quý I/2025, ngành thú y tỉnh đã giám sát dịch bệnh tại 23 xã, xử lý nhanh các ca bệnh lẻ tẻ tại hơn 2.500 hộ nuôi, điều trị thành công cho gần 5.000 con vật mắc bệnh, đạt tỷ lệ khỏi bệnh đến 99,8%.
Đặc biệt, ngành đã tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển và giết mổ động vật, tiêu độc sát trùng gần 2,5 triệu m2 chuồng trại, phương tiện, chợ đầu mối… nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh phát tán ra cộng đồng.

Trong quý I/2025, ngành thú y tỉnh đã giám sát dịch bệnh tại 23 xã, xử lý nhanh các ca bệnh lẻ tẻ tại hơn 2.500 hộ nuôi, điều trị thành công cho gần 5.000 con vật mắc bệnh, đạt tỷ lệ khỏi bệnh đến 99,8%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó cũng được triển khai nghiêm túc, với tỷ lệ tiêm phòng đạt 90% so với tổng đàn. Đồng thời, tỉnh còn tích cực phối hợp với các địa phương biên giới để kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua cửa khẩu.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, An Giang còn chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên trách, học tập mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và xử lý chất thải hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong năm 2025, trong đó có nội dung đề xuất hỗ trợ vaccine từ nguồn Trung ương để giảm chi phí cho người chăn nuôi.