| Hotline: 0983.970.780

'Hồi sinh' giống lúa mùa đặc sản quý hiếm

Thứ Năm 22/05/2025 , 09:12 (GMT+7)

LONG AN Từ những dòng gen sót lại trên vùng trũng nhiễm phèn ở vùng biên giới Long An, các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa huyết rồng bản địa quý hiếm.

Giống lúa mùa đặc sản

Huyết rồng - giống lúa mùa truyền thống được trồng phổ biến ở các vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn của Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An), thích nghi tốt với điều kiện khắc nghiệt.

Trải qua nhiều thập kỷ canh tác liên tục và ít được cải tiến, giống lúa huyết rồng ngày càng thoái hóa, giảm chất lượng và mất dần thị trường. Bên cạnh đó, nông dân chưa chú ý đến chất lượng, làm cho gạo của giống lúa này ngày càng cứng và khô cơm. Hiện nay, diện tích trồng lúa huyết rồng toàn tỉnh còn lại rất ít.

Các huyện vùng biên Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) không đủ điều kiện nguồn nước để trồng lúa cao sản đang phát triển giống lúa huyết rồng. Ảnh: Kim Anh.

Các huyện vùng biên Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) không đủ điều kiện nguồn nước để trồng lúa cao sản đang phát triển giống lúa huyết rồng. Ảnh: Kim Anh.

Trước thực trạng đó, năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An phối hợp với Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) triển khai đề tài nghiên cứu “Chọn lọc và thử nghiệm sản xuất giống lúa huyết rồng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, theo hướng hữu cơ ở khu vực huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng”.

Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Vụ đầu tiên (2023 - 2024) triển khai 0,5ha; vụ thứ hai (2024 - 2025) mở rộng lên 3ha. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn xây dựng mô hình trồng lúa huyết rồng ứng dụng công nghệ cao trên quy mô 2ha, sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) từ khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc nhằm đánh giá khả năng thích nghi của giống lúa mùa với công nghệ hiện đại.

TS Trần Hữu Phúc – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, từ 800 dòng lúa được chọn lọc ở địa phương và ngân hàng giống của Trường Nông nghiệp, nhóm đã đánh giá thực địa, loại bỏ các dòng không đáp ứng tiêu chuẩn. Cuối cùng, chọn ra được 200 dòng ưu tú có cơm mềm, dẻo, hàm lượng amylose chỉ 17% – thấp hơn nhiều so với gạo trước khi phục tráng (20 – 22%).

Mục tiêu phục tráng giống lúa huyết rồng là bảo tồn, phát huy nguồn gen lúa mùa quý hiếm của quốc gia, khôi phục thương hiệu gạo đặc sản huyết rồng tỉnh Long An. Ảnh: Kim Anh.

Mục tiêu phục tráng giống lúa huyết rồng là bảo tồn, phát huy nguồn gen lúa mùa quý hiếm của quốc gia, khôi phục thương hiệu gạo đặc sản huyết rồng tỉnh Long An. Ảnh: Kim Anh.

Sau khi phục tráng, giống lúa huyết rồng cho năng suất tăng rõ rệt, đạt trung bình 4 tấn/ha so với mức cũ 3 - 3,5 tấn/ha.

TS Phúc cho biết thêm, nhờ canh tác ứng dụng công nghệ cao, lượng giống gieo sạ giảm từ 70kg/ha xuống còn 50kg/ha, lượng phân bón hóa học sử dụng chỉ còn khoảng 25 - 30% so với trồng lúa cao sản và thay bằng phân bón hữu cơ, đã giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã.

Cần đơn vị phát triển sản phẩm

Gạo huyết rồng sau đó được gửi đến Tập đoàn Lộc Trời để kiểm nghiệm chỉ số đường huyết (GI). Kết quả, GI chỉ từ 52 - 53, thấp hơn gạo trắng (từ 60 - 80), rất phù hợp với người bị tiểu đường hoặc có nhu cầu kiểm soát đường huyết.

Từ kết quả phục tráng, nhóm nghiên cứu đang định hướng phát triển gạo huyết rồng thành sản phẩm gạo mầm GABA giàu dinh dưỡng. Ảnh: Kim Anh.

Từ kết quả phục tráng, nhóm nghiên cứu đang định hướng phát triển gạo huyết rồng thành sản phẩm gạo mầm GABA giàu dinh dưỡng. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài tiêu dùng trực tiếp, gạo huyết rồng còn có thể chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng như bún khô, bánh phở, nui, rượu vang hoặc kết hợp với du lịch trải nghiệm vùng lúa mùa truyền thống.

Dù tiềm năng lớn nhưng sản lượng gạo huyết rồng còn hạn chế so với các loại gạo cao sản. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Long An cũng chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt phát triển chuỗi giá trị lúa huyết rồng, nhất là trong lĩnh vực chế biến sâu.

Qua khảo sát thị trường, TS Phúc cho biết khâu tiêu thụ lúa huyết rồng chủ yếu qua thương lái nhỏ lẻ, thậm chí một phần lúa huyết rồng được nhập từ Campuchia về rồi xay xát bán lại. Trong khi kết quả dự án cho thấy, chất lượng lúa huyết rồng sau khi được phục tráng vượt trội so với nhiều giống lúa màu nhập về.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm gạo màu trên thị trường hiện vẫn gắn mác “gạo huyết rồng” để dễ dàng tiêu thụ nhưng thực chất nguồn gốc và chất lượng giống vẫn là câu hỏi.

Gạo huyết rồng cho cơm mềm, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Kim Anh.

Gạo huyết rồng cho cơm mềm, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Kim Anh.

TS Phúc nhấn mạnh: “Chúng tôi đã phân tích hơn 1.000 giống trong ngân hàng giống nhưng chưa có giống nào vượt qua giống lúa huyết rồng về độ dẻo. Hàm lượng vi chất của gạo huyết rồng cao hơn rõ rệt so với gạo trắng thông thường. Giống lúa này được nhiều người dân gọi là lúa thảo dược”.

Do đó, để phát triển được mặt hàng tiềm năng này, rất cần những doanh nghiệp đủ tiềm lực đứng ra làm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phát triển chế biến sâu để cho ra những sản phẩm đúng chuẩn đặc sản theo hướng thảo dược.

Đặc tính nông học của giống lúa huyết rồng sau phục tráng

Thời gian sinh trưởng 4 - 5,5 tháng. Chiều cao cây 120 - 130cm. Trọng lượng 1.000 hạt 23 - 24g. Dài hạt gạo lức 7 - 7,2mm. Năng suất 3,5 - 4,5 tấn/ha. Hàm lượng amylose 16,5 - 17,5%. Hàm lượng protein 8,5 - 9,5%. Mức kháng rầy nâu trung bình. Kháng mạnh bệnh cháy lá.

Xem thêm
Chuẩn hóa điều kiện xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc

Tây Ninh triển khai giám sát dịch bệnh chim yến, từng bước chuẩn hóa điều kiện sản xuất, chế biến tổ yến theo Nghị định thư 2025 phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Người tiên phong đầu tư giết mổ gia súc đạt chuẩn ở miền Tây

Mô hình giết mổ gia súc tại cơ sở giết mổ Phong Mai (tỉnh Tiền Giang) hướng đến thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Cây ăn quả, trụ cột mới của nông nghiệp Đắk Nông

Với khoảng 20 nghìn ha, cây ăn quả đang ngày càng trở thành trụ cột trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông.

Gieo 'hạt vàng' trên vùng đá đen

ĐẮK NÔNG Trên vùng đá đen Krông Nô, người M’nông cần mẫn bứng đá, gieo xuống những 'hạt vàng'.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Chuỗi giá trị rong sụn: Nền tảng cho xuất khẩu bền vững

QUẢNG NINH Nuôi rong sụn đang từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, hướng đến xuất khẩu bền vững nhờ ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Những khu 'rừng ma' ở Sơn La: [Bài 3] Bản vùng cao trăm năm không lũ dữ

Bản Lao Khô được đặt theo tên người đi khai phá vùng đất mới, ông Tráng Lao Khô. Tôi được chính người con trai của ông là Tráng Lao Lử dẫn vào 'rừng ma' ở ngay sau nhà.

Bình luận mới nhất