Và một nguyên nhân nữa cần phải đề cập tới, đó là trách nhiệm quản lý nhà nước và ngành chuyên môn trong việc kiểm soát thị trường giống cây trồng, tuyên truyền và khuyến cáo người dân chấp hành lịch thời vụ.
Để dân gieo cấy trước 22 - 30 ngày
Ngày 19/5, phát biểu tại hội thảo đánh giá tình hình sản xuất lúa vụ xuân 2025, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An khẳng định: “Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, ghi nhận trên 2.736ha lúa trổ không thoát, không kết hạt, diện tích không lớn nhưng ảnh hưởng đến tâm lý của bà con nông dân”.

Ông Hoàng Quốc Việt khẳng định diện tích bị ảnh hưởng không nhiều nhưng gây xáo trộn tâm lý của bà con. Ảnh: Ngọc Linh.
Báo cáo của Sở cho hay, vụ xuân 2025 toàn tỉnh gieo cấy trên 91.000ha lúa (đạt 100,6%), trong đó hơn 40.000ha gieo cấy trước khung thời vụ từ 10 - 15 ngày. Cá biệt tại một số điểm thuộc xã Hương Sơn, Đồng Văn của huyện Tân Kỳ; xã Bình Sơn, Thọ Sơn của huyện Anh Sơn; xã Châu Nhân của huyện Hưng Nguyên gieo cấy trước 22 - 30 ngày.
Tổng diện tích mạ được gieo trước lịch thời vụ là 1.083ha, tương đương diện tích cấy khoảng 39.410ha (trước ngày 20/12/2024 có 190ha mạ, tương đương với diện tích lúa cấy khoảng 7.026ha; từ 21/12/2024 - 1/1/2025 có 893ha mạ, tương đương 32.380ha lúa cấy), dẫn đầu là các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Con Cuông...
Trong khi đó, tổng diện tích gieo thẳng trước lịch thời vụ hơn 866ha (trước ngày 20/12/2024 là 175ha; từ 21/12/2024 - 2/1/2025 là 691ha), phân bố tại các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành.

Hiện tượng lúa trổ không thoát, kết hạt kém xảy ra nhiều nơi ở Nghệ An trong vụ xuân năm nay. Ảnh: Ngọc Linh.
Nhìn chung phạm vi, mức độ gây hại của các đối tượng sâu, bệnh hại chính như đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy, sâu cuốn lá, nhện... cơ bản thấp hơn nhiều so với vụ xuân năm 2024. Tuy nhiên do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết (các đợt không khí lạnh xen các đợt nắng ấm với tần suất cao, chênh lệnh nhiệt độ ngày - đêm lớn, nhất là trong thời kỳ lúa đứng cái làm đòng) khiến nhiều diện tích lúa bị vàng lá sinh lý.
Một số diện tích lúa xuân của Nghệ An xuất hiện tình trạng thoái hóa đầu bông, gié. Một số giống có mức độ thoái hóa cao hơn mức bình quân như VT404, HYT100, An Nông 1424, VT868, Syn 8, Syn 12, Syn 18, Dương ưu 612, LC25, Q.ưu 6, Thụy Hương 308, AYT 77, AC5, Dự hương 8, Q5… Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy những diện tích trổ trước ngày 20/4 có mức độ thoái hóa cao hơn những vùng trỗ sau 20/4.
Cơ quan chuyên môn cũng xác nhận những trà lúa trổ sau thời điểm 15/4 - 20/4 có tỷ lệ lép xanh, không kết hạt ít hơn những trà trổ trước. Tổng diện tích có tỷ lệ lép cao là 2.736ha, tập trung chủ yếu ở huyện Diễn Châu (1.925ha), thị xã Thái Hòa (305ha), huyện Anh Sơn (193ha), huyện Đô Lương (156ha), huyện Yên Thành (150ha).

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra lúa vụ xuân của Nghệ An bị lép hạt trên diện rộng. Ảnh: Ngọc Linh.
Ngoài việc không tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, ngành nông nghiệp Nghệ An cũng nhấn mạnh đến những yếu tố bất lợi do tác động của thời tiết cực đoan, xem đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa ở một số vùng.
Để củng cố quan điểm trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An nêu dẫn chứng cụ thể, từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2025 ghi nhận 14 đợt không khí lạnh (KKL), trong đó có 9 đợt gió mùa Đông Bắc.
Cụ thể, tháng 1 có 3 đợt KKL (bao gồm 2 đợt KKL gây rét đậm rét hại); tháng 2 có 4 đợt KKL (2 đợt gây rét đậm rét hại); tháng 3 có 4 đợt KKL; tháng 4 có 2 đợt KKL; đầu tháng 5 có 1 đợt KKL, dù không rét nhưng gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
28 giống lúa ngoài cơ cấu
Theo quan điểm của Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, những bộ giống có biểu hiện bị lép cao trong vụ xuân 2025 cần được tiếp tục rà soát, theo dõi đánh giá kỹ lưỡng hơn để tránh rủi ro khi đưa vào sản xuất. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống và vật tư nông nghiệp tại các địa phương, đồng thời xây dựng phương án kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, ngăn chặn việc đưa các giống chưa được đánh giá, công nhận vào canh tác.
Nhìn vào thực tế thấy rằng lo ngại trên là không thừa. Theo Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân 2025, Nghệ An cơ cấu 74 giống lúa (27 giống lúa lai, 47 giống lúa thuần) nhưng thực chất có đến 102 giống lúa (33 giống lúa lai, 69 giống lúa thuần) hiện diện trên ruộng đồng con số chênh lệch rất lớn.

Để hạn chế rủi ro cho nông dân, nhất thiết phải làm tốt công tác quản lý giống. Ảnh: Ngọc Linh.
Hàng loạt giống cả trong và ngoài cơ cấu đều cho thấy vấn đề trong quá trình sinh trưởng, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ hạt lép cao, hoặc không kết hạt. Các giống D.Ưu 725 (Hà Xuyên 1425), An Nông 1424, HYT 100, VT404, Ngọc Nương 9... chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn cả, tỷ lệ hạt lép cao so với mặt bằng chung.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nêu ý kiến: "Hiện chúng ta đã có khuyến cáo, có chỉ đạo nhưng chưa có chế tài, chưa có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa giống vào thị trường một cách trôi nổi. Như trên địa bàn huyện Yên Thành có giống Hà Xuyên chưa xây dựng mô hình trình diễn, chúng tôi muốn xử lý nhưng không có cơ sở”, ông Dương chia sẻ.
Xét cho cùng nông dân trồng lúa cuối cùng vẫn chịu thiệt hại và gánh hậu quả. Tuy nhiên để được hỗ trợ thiệt hại không phải là chuyện dễ. Ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Nghệ An cho rằng: “Có 21 loại hình thiên tai được hỗ trợ, việc lúa xuân 2025 một số nơi bị mất mùa không thuộc các loại hình nêu trên, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát cụ thể lại theo chỉ đạo”.
Thời tiết là điều bất khả kháng nhưng để người dân gieo cấy trước khung thời vụ 10 - 15 ngày, cá biệt có nơi trước 22 - 30 ngày là lỗi của nông dân nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước và chuyên ngành cần phải được làm rõ. Mặt khác, để tình trạng giống trôi nổi trên thị trường thì ngoài công tác tuyên truyền, cần đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước ở một địa phương có quy mô sản xuất lúa lớn trên 91.000ha như Nghệ An. Không thể cho rằng, gần 3.000ha lúa xuân bị lép hạt là số nhỏ để bỏ qua hết trách nhiệm về công tác chỉ đạo sản xuất và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Vụ xuân 2025 tại Nghệ An có đến 34 giống lúa (18 giống lúa lai, 16 giống lúa thuần) phát triển không như ý, trong số này có đến 10 giống nằm ngoài cơ cấu của Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân 2025 gồm LC 25, Syn 12, Syn 18, C.ưu đa hệ số 1, Khang dân 18, Q5, Ngọc Nương 9, KOJI, DT 82.