Những ngày giữa tháng 5, lúa xuân của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã bắt đầu chuyển vàng, nhiều nơi tiếng máy gặt đập liên hợp đã vang lên giữa những buổi trưa nắng gắt. Nhận được thông tin vụ này lại có tình trạng lúa lép, không kết hạt, tôi cùng lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã tổ chức chuyến thị sát tình hình.

Lúa xuân 2025 ở một số nơi tại Bắc Trung bộ bị lép, không kết hạt. Ảnh: Việt Khánh.
Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh phía Bắc, tổng thể chung vụ lúa xuân 2025 tất cả các giống đều bị kéo dài thời gian sinh trưởng từ 10-12 ngày. Với các giống lúa ưu thế lai, lúa thuần trà xuân muộn có thời gian sinh trưởng 125-130 ngày ở các vụ trước thì vụ này kéo dài tới 132-145 ngày. Năng suất bình quân chung ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ đã và đang thu hoạch ước tính đều thấp hơn 2-3 tạ/ha so vụ xuân 2024. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, lúa tập trung trổ vào cuối tuần 1 và hết tuần 2 của tháng 5, thời điểm trỗ được xác định là có tần suất an toàn và cho năng suất cao nhất, vì vậy hy vọng hai vùng này lúa xuân 2025 sẽ tiếp tục được mùa.
Những quan sát trên đồng ruộng
Diện tích lúa bị thiệt hại do lép, nghẹn đòng không trổ thoát tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ, gồm một diện tích nhỏ của Thanh Hóa và phần lớn tập trung ở Nghệ An, với khoảng vài ngàn ha.
Ngày 13, 14/5 chúng tôi len lỏi tới một số vùng của Thanh Hóa (Nông Cống, Tĩnh Gia) và các huyện Yên Thành, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tại Thanh Hóa, bà con nông dân đang bắt đầu thu hoạch, nhiều vùng, nhiều ruộng lúa đẹp, hạt lúa vàng óng, cây cứng cáp và ít sâu bệnh, ngoại trừ một số chân ruộng sâu màu, bón đạm muộn bị bạc lá nhẹ. Chúng tôi đánh giá rằng, Thanh Hóa cơ bản được mùa. Có vài chục ha gặp hiện tượng trổ bông không thoát, bị lép, trên một số giống lúa lai, lúa thuần ở Nghi Sơn (giáp Nghệ An) và Thọ Xuân. Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, con số này là không đáng kể so với 113,4 ngàn ha lúa được gieo trồng ở vụ xuân 2025.

Thăm cánh đồng lúa lai 3 dòng An Nông 1424.
Thăm, đánh giá những vùng bị nặng tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho thấy có nhiều giống lép, không kết hạt và có thể nói là không còn khả năng cho thu hoạch; có những giống lép vài chục%, diện tích này phân bổ “xôi đỗ” ở một số hộ nông dân.
Quan sát trên 1 giống cũng cho thấy, một số hộ bị lúa lép không cho thu hoạch, không ít hộ lại vẫn cứ trúng mùa. Quan sát trên 1 ruộng tại gia đình ông Khoa, thôn Thanh Đà, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, cấy lúa lai 3 dòng ở dẻo đất hẩu, đủ nước giáp bờ mương có tới 80-90% số khóm trổ bông không kết hạt; đi vào giữa ruộng và mé ruộng giáp với bờ con của hộ khác thì chỉ 15-20% số khóm có bông bị lép không kết hạt, một số bông bật ra trổ sau đang tung phấn, chắc chắn tỷ lệ kết hạt sẽ rất cao.

Đánh giá giống lúa không kết hạt tại Diễn Châu - Nghệ An.
Chị Đào Thị Hoa, Chi hội Phụ nữ xóm 9, xã Lăng Thành, Yên Thành, dẫn chúng tôi thăm một điểm nữa. Cả ruộng lúa tốt bời bời nhưng không kết hạt. Chị Hoa cho biết đây là hộ gieo mạ sớm và lúa trổ gặp rét.
Xuôi về Diễn Châu, vùng bị nặng nhất của Nghệ An, chúng tôi vào xã Diễn Phong. Quan sát một giống lúa lai 3 dòng bị thiệt hại nặng ở Yên Thành, thì ở đây trên 3 sào ruộng giống lúa này lại trĩu hạt vàng óng. Chị chủ hộ nói rằng gieo cấy đúng vụ khuyến cáo và nhìn mã lúa chúng tôi tính ngược thì chân ruộng này trổ bông vào khoảng xung quanh 25-28/4, ước năng suất có thể đạt 65-70 tạ/ha. Vòng lên xã Diễn Nguyên, chân ruộng khá tốt, cảm nhận lại trái ngược với những ruộng lúa xanh rì, bông không cúi. Chúng tôi hỏi thăm và chia sẻ với bà con, tất cả nói do bắc mạ sớm, mạ đẹp nên cấy sớm và lúa trổ gặp rét. Một chị nói với tôi: “Người thì không thua, nhưng thua trời anh ạ”.
Nguyên nhân và góc nhìn khoa học
Dự báo và kinh nghiệm
Vụ xuân 2025, một vụ vừa gối đầu giữa kết thúc chu kỳ Elnino, bắt đầu pha chuyển tiếp Enso để sang Lanina, đây là giai đoạn mà nhiều chỉ số khí hậu biến động và khó lường. Dự báo trung hạn và dự báo mùa từ Cục Khí tượng thủy văn về hình thế thời tiết chung của vụ này được tóm tắt: Không khí lạnh hoạt động mạnh từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, rét đậm, rét hại tương đương trung bình nhiều năm, và tập trung cuối tháng 12 đến tháng 2, dự báo tháng 2 - tháng 4/2025 với trạng thái Lanina yếu. Nhiệt độ trung bình (NĐTB) trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng tháng 3/2025 có khả năng cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa: tháng 02/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Trung bộ phổ biến 20-50mm; tháng 4/2025, mức phổ biến 40-80mm (xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ).

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam khảo sát thực tế lúa xuân tại Nghệ An.
Góc nhìn từ kinh nghiệm dân gian: Năm 2025 là năm nhuận với 2 tháng 6 âm lịch, các tiết sẽ đẩy lùi muộn lại một chút, khả năng các đợt rét muộn vẫn xảy ra, tuy nhiên sai số không nhiều. Sự ra hoa, ra lộc của các cây chỉ thị như hoa xoan, lộc cây bàng... thực tế cũng đều chậm lại so với mọi năm, nếu tiết Lập xuân vào 4/2, thường thì nhiệt độ tăng dần, nhưng vụ xuân 2025 ta cảm nhận rõ rằng tháng 2-3 rét hơn cùng kỳ nhiều năm. Các cây ăn quả như vải, nhãn cũng ra hoa kết trái muộn hơn.
Kế tiếp ngay sau những năm nóng ấm (Elnino) thường là vụ lúa xuân khá trục trặc, nhất là khi chúng ta còn gieo cấy nhiều giống dài ngày. Vụ xuân 1986 - 1987 ăn Tết xong lúa đã kín hàng và tròn cổ, khi đó miền Bắc, nhất là ĐBSH rối tung lên với nguy cơ mất mùa đại trà. Giải pháp nhổ lên cấy lại đã từng được đưa ra nhằm xử lý tình huống ở vụ này nhưng vẫn là vụ thất thu. Rồi vụ đông xuân năm 1990-1991, gần đây là 2012-2013, một năm rét muộn vào cuối tháng 3 sang tháng 4 khiến nhiều diện tích lúa ở miền Bắc bị giảm năng suất trầm trọng.
Phân tích từ các số liệu khí tượng trong kỳ
Chúng ta sẽ xem xét các yếu tố ảnh hưởng là nhiệt độ, giờ nắng (chiếu sáng) lượng mưa và ẩm độ, song trong các yếu tố này thì nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất. Chúng tôi có được số liệu khí tượng từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2025 của tỉnh Nghệ An, đại diện vùng Bắc Trung bộ; phân tích số liệu của trạm Quỳnh Lưu - Đài Khí tượng thủy văn Nghệ An cho thấy như sau:

Khóm lúa cùng một giống lúa lai 3 dòng trên cùng một ruộng trổ trước và sau 5-7 ngày.
Nhiệt độ trung bình tháng 1-2025 là 17,5 độ C, tuần 2 tháng này có chỉ số thấp nhất chỉ 16,40C, nhiệt độ tối thấp ghi được là 8,90. Tháng 1 giờ nắng khá cao 143,2 giờ, mưa 9,2 mm, ẩm độ 80%. Cả tháng chỉ có 4 ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, là ngưỡng nhiệt có chút ảnh hưởng đến sinh trưởng của giai đoạn mạ. Theo Yoshida (Kiến thức cơ bản của khoa học trồng lúa), nhiệt độ tối thích của giai đoạn này là 25-32 độ C, tới hạn cao là 36-38 độ C và tới hạn thấp là 8-10 độ C.
Tháng này khu vực Bắc Trung bộ tập trung bắc mạ (cuối tháng 12, nửa đầu tháng 1), thu hoạch rau màu đông và đổ ải. Các chỉ số này cho thấy thời tiết khá thuận, không có ngày nào làm trì hoãn sinh trưởng của mạ; mạ gieo sẽ sinh trưởng tốt, nhanh được cấy hơn và điều đó cũng khiến nhiều nông dân cấy trước lịch. Các giống lúa ưu thế lai lại chịu rét giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng khá tốt nên lúa lai có lẽ không bị “delay”, cứ chạy đều và phân hóa sớm.

Bông lúa không kết hạt do chết hạt phấn.
Tháng 2-2025: Nhiệt độ trung bình tháng là 20,1 độ C, tuần1 tháng 2 (1-10/2) trung bình là 16,8 độ C, là tuần có trị số trung bình thấp nhất trong tháng, trị số nhiệt độ thấp nhất ghi được là 13,1 độ C vào ngày 9/2. Cả tháng 2-2025 ghi nhận có 23 ngày nhiệt độ thấp dưới 20 độ C, tuy nhiên chỉ có 2 ngày nhiệt độ có ngưỡng thấp dưới 15 độ C, ngưỡng nhiệt được khuyến cáo là dừng cấy. Theo Yoshida, nhiệt độ 16 độ C giai đoạn này khiến cây lúa không ra được rễ mới, nhiệt độ thấp dưới nữa kéo dài rễ lúa bị chết đen và cây bị héo vàng, chết đen lá. Tháng 2 có giờ nắng thấp, 39,3 giờ và mưa 22,3 mm, ẩm độ không khí gần ngưỡng bão hòa 94%.
Tháng 2 là thời kỳ cấy đại trà ở ĐBSH và lúa bén rễ, đẻ nhánh rộ ở vùng Bắc Trung bộ. So với yêu cầu sinh lý của cây lúa giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng chính, có thể đánh giá điều kiện ngoại cảnh cũng khá thuận cho sinh trưởng của lúa vụ xuân 2025. Nếu nước tưới đều và có mưa xuân nhìn lúa sẽ mơn mởn và đầy sức sống.
Tháng 3-2025 như sau: Nhiệt độ bình quân tháng 3 là 20,1 độ C, chỉ số trung bình nhiệt độ thấp nhất là 16,8 độ C, giá trị nhiệt ngày thấp nhất là 13,2 độ C; giờ nắng thấp so trung bình nhiều năm, chỉ có tổng 69,2 giờ, mưa thấp 15,8mm, ẩm độ trung bình không khí cao 88%. Phân tích sâu cho thấy: Tháng 3 cũng chỉ có 1 ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, có 6 ngày dưới 17,0 độ C, với 3 cặp ghép 2 ngày liền; có tới 9 ngày nền nhiệt TB ngày dưới 18,0 độ C, rơi vào 3 đợt với đợt 1 có 4 ngày liền nhau 6, 7, 8 và 9/3 và đợt 2 với 3 ngày liền 17, 18, 19/3, đợt 3 với 2 ngày liên tiếp 30, 31/3; có 14 ngày nhiệt độ trung bình thấp dưới 20 độ C, rơi vào nhiều ngày liền nhau, tác động lớn nhất là đợt từ ngày 16-21/3.

Bông lúa kết hạt tốt và lép hoàn toàn
Đối chiếu với giai đoạn sinh trưởng của lúa đại trà vụ xuân 2025 ở vùng Bắc Trung bộ thì cây lúa đã và đang ở giai đoạn sinh trưởng sinh thực. Các trà lúa cấy trước lịch, lúa lai chịu rét tốt giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng không bị tác động làm “chột” lại sẽ phân hóa bước 1 đến bước 3 trong khoảng 5-10/3, bước 4 - bước 6 trong khoảng 15-20/3. Giai đoạn này vô cùng quan trọng vì quyết định năng suất, các yếu tố cấu thành năng suất của lúa như số hoa (số hạt), qua việc phân hóa hình thành các gié cấp 1, cấp 2; tỷ lệ hạt chắc trên cơ sở hình thành hạt phấn và chất lượng hạt phấn giúp quá trình thụ phấn thụ tinh có kết quả. Khối lượng hạt sẽ phụ thuộc vào sức sống và sự nguyên vẹn của các lá công năng gồm 3 lá trên cùng dưới lá đòng.
Theo Yoshida, nhiệt độ tối thích cho giai đoạn này là 28-32 độ C, cao tới hạn là 35,0 độ C và thấp tới hạn là 15-20 độ C, nếu giống nhạy cảm dưới 22 độ C đã có tác động và phần lớn bị ảnh hưởng khi nhiệt độ dưới 20 độ C. Nhiệt độ càng thấp mức tác động làm hạn chế hình thành Extin, phân bào giảm nhiễm và làm chết hạt phấn gây bất dục đực.
Như vậy, các giống lúa, trà lúa gieo cấy sớm theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An đều trỗ bông trước 20/4 và 15/4. Nếu tính ngược từ phân hóa đòng đến trổ khoảng 30-32 ngày ta dễ thấy các giai đoạn nhạy cảm của quá trình hình thành bông lúa, hạt lúa, phấn hoa đều rơi vào “điểm chết” như đã phân tích ở trên. Cộng với tác động không thuận từ giờ nắng, lượng mưa khiến tình trạng trở lên “họa vô đơn chí” cho các hộ nông dân gieo cấy sớm và quá sớm.
Ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam
Tháng 4: Nhiệt độ trung bình tháng 28,0 độ C, ngày có nhiệt độ thấp nhất là 21,2 độ C rơi vào ngày 1-4. Có một ngày - 22/4 nhiệt độ trung bình 40,4 độ C ngưỡng nhiệt này được xem là có tác động đến giai đoạn trổ bông và thụ phấn. Tuy nhiên do chỉ có 1 ngày nên tác động này là không đáng kể. Như vậy các trà lúa trổ cuối tháng 4 (xung quanh 25-30/4) được kết luận là có tần suất an toàn cao (>90%) cho vùng Bắc Trung bộ. Thực tế hầu hết các ruộng lúa ở các vùng trổ bông trước, sau 25/4 một chút đều rất đẹp và khả năng cho năng suất cao.

Cũng tại Diễn Châu, ruộng trỗ sau 25/4 rất được mùa.
Nghệ An có tới gần 14 ngàn ha trổ trước 15/4 (nguồn: Báo cáo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An) hầu hết diện tích bị thiệt hại nằm trong diện trổ bông sớm này.
Điều khiến một số cán bộ kỹ thuật “lăn tăn” là lúa ưu thế lai F1 thường chống chịu khá tốt với ngoại cảnh, năng suất ổn định, ít biến động, vì sao vụ xuân này một số ruộng lại rơi vào “thảm cảnh” như vậy? Để trả lời trọn vẹn chắc sẽ phải chờ những nghiên cứu đánh giá sâu hơn về kiểu gen, ưu thế lai trội, nhất là các gen quy định khả năng chịu nhiệt (rét, nóng) và giai đoạn sinh trưởng. Thực tế quan sát vụ này ngay trên một ruộng với giống lúa lai D.ưu 725 nền nhiệt ở giai đoạn phân hóa có vai trò quyết định thế nào, chỉ lệch nhau 2-3 ngày đã cho biểu hiện rất khác nhau về tỷ lệ kết hạt rồi, trước sau 3-5 ngày cũng sẽ là giữa được mùa và mất mùa. Kết quả hậu kiểm D.ưu 725 (Hà Xuyên) tại trại giống lúa Yên Thành của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An trổ bông 25-30/4 đều cho bông to, hạt mấy, cũng chứng minh khá rõ đánh giá khoa học này.

Gống D.ưu 725 hậu kiểm trổ sau 25/4 năng suất cao tại Yên Thành, Nghệ An.
Một số nhận xét và khuyến nghị
Tình trạng không ít diện tích lúa xuân ở Bắc Trung bộ (chủ yếu tại Nghệ An) trổ bông không kết hạt do các nguyên nhân sau:
- Gieo cấy sớm, trước lịch khuyến cáo: Các địa phương khuyến cáo gieo mạ các giống ngắn ngày chủ yếu từ 5-15/1 song nhiều nông dân nhiều vùng vẫn gieo vào 20-25/12, thậm chí có trà gieo từ 15/12.
- Mạ tốt, cấy sớm, giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng thuận lợi, lúa xuân các trà này phân hóa sớm vào trung tuần tháng 3, gặp 3 đợt rét đậm nền nhiệt dưới ngưỡng tới hạn thấp theo yêu cầu, quá trình phân bào giảm nhiễm, hình thành hạt phấn bị cản trở, chết và không có phấn dẫn đến tình trạng bất dục, khi lúa trổ bông không thể thụ phấn, thụ tinh và không có kết hạt.
- Sự mẫn cảm của giống lúa cần được đánh giá kỹ ở góc độ chuyên sâu, tuy nhiên cách giải quyết thông minh nhất với mọi giống vẫn là tính toán điều chỉnh thời vụ linh hoạt để các giai đoạn nhạy cảm có điều kiện tối ưu nhất. Kinh ngiệm từ ông cha là “nhất thì, nhì thục”.
Khuyến nghị và đề xuất
- Các Sở Nông nghiệp và Môi trường khu vực Bắc Trung bộ cần tăng cường khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ và với bối cảnh biến đổi khí hậu xem như “cơm bữa” hàng ngày, nên có các đề tài khoa học để tổng kết sản xuất, đánh giá lại việc bố trí lịch thời vụ ở vụ xuân, bởi vùng này sẽ chịu sức ép 2 đầu về thời vụ: Sớm quá dễ gặp rét lúc lúa trỗ và giai đoạn phân hóa đòng từ bước 1-3 và bước 4-6, đặc biệt là những năm có pha chuyển tiếp Enso sau Elnino để sang Lanina; muộn quá trỗ sang sau 5/5 lại dễ gặp gió Tây (gió Lào) cũng dễ gây thất thu.
- Cơ quan chuyên ngành cần có một đánh giá đầy đủ, chi tiết, khách quan và khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý lĩnh vực trồng trọt BVTV, sự vào cuộc của nhà nước và đồng hành của các doanh nghiệp nhằm chia sẻ một phần thiệt hại với số ít bà con nông dân, cũng là nhắc nhở việc tuân thủ kỹ thuật để tránh mất mùa riêng.
- Bộ cần đầu tư ngân sách để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về chọn tạo giống mang gen chống chịu tốt với ngoại cảnh như chịu nóng, lạnh nhất là giai đoạn phân hóa, làm đòng và trổ bông.
Trong bối cảnh sát nhập tỉnh, không còn cấp huyện, việc duy trì và tăng cường năng lực cho các Trạm trồng trọt BVTV vùng, khu vực là vô cùng cần thiết để cán bộ bám sát đồng ruộng kịp thời khuyến cáo, hỗ trợ nông dân thực hiện, tuân thủ nghiêm túc lịch mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng và xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong thực tiễn sản xuất.
Trần Xuân Định
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam