| Hotline: 0983.970.780

Dự án của FAO góp phần đưa Mộc Châu thành 'Đà Lạt thứ hai”

Thứ Sáu 23/05/2025 , 15:08 (GMT+7)

SƠN LA Với sự thúc đẩy từ dự án do FAO triển khai, sản xuất rau trong nhà lưới ở Mộc Châu có sự bứt phá mạnh mẽ từ 1,5ha năm 2021 lên gần 50ha năm 2024.

Dấu ấn 4 năm

Ngày 22/5 tại thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức cuộc họp tổng kết dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua FAO, được Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai tại Sơn La.

Ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam (trái) và PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đồng chủ trì cuộc họp tổng kết. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam (trái) và PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đồng chủ trì cuộc họp tổng kết. Ảnh: Quỳnh Chi.

4 năm qua, dự án đã hỗ trợ nâng cấp, cải tạo khoảng 4ha nhà màng công nghệ cao, gồm 32 nhà màng sản xuất, 3 vườn ươm và một mô hình trình diễn kỹ thuật để người dân tham quan, học hỏi.

Với những kỹ thuật và công nghệ mới, sản xuất rau trong nhà lưới, nhà kính tại Mộc Châu đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng từ khoảng 1,5ha năm 2021 lên gần 50ha năm 2024.

Ông Kim Meyong Won - đại diện Cơ quan Cộng đồng nông thôn Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án đã trở thành mô hình mẫu mực, điển hình cho hợp tác giữa FAO, Hàn Quốc và Việt Nam thông qua việc giới thiệu, ứng dụng các công nghệ nhà kính tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường ở Mộc Châu”.

Ông Kim Meyong Won ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ của nông dân đối với mô hình, vượt xa kỳ vọng ban đầu của FAO. Đáng chú ý, dù dự án chỉ hỗ trợ 50% chi phí cho một số trang trại, nhiều nông dân vẫn chủ động tham gia và đầu tư thêm để áp dụng công nghệ mới.

Hiện toàn bộ kết quả dự án và cơ sở vật chất đã chính thức được bàn giao cho chính quyền địa phương, ông Kim bày tỏ hi vọng các mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực và lâu dài cho cộng đồng nông dân.

Nông dân làm chủ nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc duy trì, mở rộng phương pháp canh tác thông minh của dự án là điều cần thiết để tác động lâu dài cho toàn vùng cao nguyên Mộc Châu.

Hợp tác xã công nghệ cao Tân Lập (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) được hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hợp tác xã công nghệ cao Tân Lập (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La) được hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Nông dân đã được tiếp cận các kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, ghép giống rau có khả năng chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu phương pháp trồng rau thủy canh, trồng trên giá thể, áp dụng thiên địch trong quản lý dịch hại…”, ông Song Hà chia sẻ và đánh giá những kết quả của dự án đã góp phần định hình chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Ông Hà Văn Tiến (54 tuổi) - Giám đốc Hợp tác xã Mộc Vân Trang là nông dân tiêu biểu của dự án. Nhìn lại chặng đường 4 năm, ông Tiến cảm ơn đội ngũ chuyên gia và tin tưởng nông dân sẽ có cơ hội phát triển kinh tế bền vững hơn từ việc áp dụng công nghệ mới từ dự án.

Tham gia dự án, ông Tiến đã tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến như canh tác trong nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, đo lường nồng độ EC và pH trong đất…

Nhờ những thay đổi này, hiệu quả sản xuất cải thiện rõ rệt, sản lượng tăng lên, chất lượng nông sản cao hơn, giá bán tốt hơn canh tác ngoài trời. Đặc biệt, với sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia của dự án, nông dân dần làm chủ được các kỹ thuật của nông nghiệp công nghệ cao. 

Ghi nhận ý kiến chuyên gia và nông dân địa phương, bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La khẳng định sự phù hợp của dự án với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La thăm mô hình nhà màng trồng ớt chuông công nghệ cao thuộc dự án ở tiểu khu 14, thị xã Mộc Châu. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La thăm mô hình nhà màng trồng ớt chuông công nghệ cao thuộc dự án ở tiểu khu 14, thị xã Mộc Châu. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Sơn La là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, do đó việc đưa công nghệ vào chuỗi giá trị nông sản là trọng tâm của tỉnh. Dự án đã đạt hiệu quả cao trên toàn chuỗi, giúp nông dân tiếp cận giống cây trồng chất lượng, quy trình canh tác khoa học, kết nối thị trường hiệu quả. Thành công này đều nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ. Tôi kỳ vọng những kết quả của dự án ở Mộc Châu sẽ tiếp tục được hoàn thiện, tạo nền tảng để nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương khác trong tỉnh”, bà Doan nói.

Trong bối cảnh công nghệ nông nghiệp không ngừng đổi mới, mô hình canh tác trong nhà màng trở thành hướng đi đầy triển vọng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chuyên gia trồng trọt khuyến nghị nông dân Mộc Châu cần kiên nhẫn, canh tác bài bản, tiếp tục phát huy những tri thức mà dự án đem lại.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Nguyễn Quốc Hùng nhận xét, những kết quả dự án đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung rau công nghệ cao, đưa Mộc Châu trở thành “Đà Lạt thứ hai”.

Xem thêm
Người chăn nuôi xoay xở chống nắng nóng cho vật nuôi

HÀ TĨNH Người chăn nuôi đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chăm sóc nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trước nắng nóng kéo dài.

Số hóa kiểm dịch 40 - 50 tỷ con tôm giống mỗi năm

NINH THUẬN Nhờ số hóa khai báo kiểm dịch nên các thủ tục thanh toán phí, nhận kết quả trong sản xuất, kinh doanh tôm giống ở Ninh Thuận đơn giản, nhanh chóng.

Cây ăn quả, trụ cột mới của nông nghiệp Đắk Nông

Với khoảng 20 nghìn ha, cây ăn quả đang ngày càng trở thành trụ cột trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông.

Cần cơ chế mạnh hơn cho tổ khuyến nông cộng đồng

Tổ khuyến nông cộng đồng được xác định là lực lượng đóng vai trò nòng cốt tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Cần Thơ thả 100.000 con cá về tự nhiên

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ vừa tổ chức thả 100.000 con cá các loại về tự nhiên, nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Những khu 'rừng ma' ở Sơn La: [Bài 2] Luật tục ở bản Kết Nà

"Một buổi trưa tôi thấy con rắn hổ mang chúa da đen xì, dài gần 4m, to hơn cả bắp chân, nặng ước vài chục cân từ 'rừng ma' bò ra đường gần nhà mình.”

Bình luận mới nhất