Vải thiều chín sớm Tân Yên đang bước vào mùa thu hoạch với nhiều tín hiệu tích cực. Sản phẩm không chỉ khẳng định được chất lượng vượt trội mà còn từng bước vươn xa, chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Úc...
Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cùng sự chủ động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên năm 2025. Ảnh: Phạm Minh.
Ngay sau vụ thu hoạch năm 2024, UBND huyện Tân Yên đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động để chuẩn bị cho vụ vải 2025. Tổ công tác chuyên trách về sản xuất vải thiều đã được thành lập nhằm chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc, cắt tỉa sau thu hoạch, đồng thời khảo sát, mở rộng vùng vải xuất khẩu. Đặc biệt, huyện chú trọng duy trì và phát triển các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo điều kiện để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Cùng với đó, công tác giám sát và kiểm tra quy trình sản xuất cũng được tăng cường. UBND các xã vùng vải đã chủ động khoanh vùng, lựa chọn các hộ sản xuất đủ điều kiện tham gia vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra vườn vải, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là xử lý lộc đông để cây phân hóa mầm hoa đúng thời điểm, giúp nâng cao năng suất và chất lượng quả vải.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày vải thiều chín sớm Tân Tên. Ảnh: Phạm Minh.
Cùng với kỹ thuật chăm sóc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng vật tư nông nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức cho người trồng về quy định sử dụng mã số vùng trồng, điều kiện cấp chứng nhận và quy trình thu hoạch, đóng gói. Đặc biệt, trong năm 2025, huyện Tân Yên tiếp tục triển khai chứng nhận GlobalGAP cho một số vùng vải trọng điểm để phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Năm 2025, diện tích vải thiều toàn huyện Tân Yên đạt 1.375ha, sản lượng ước ước đạt 5.500 tấn, tăng 500 tấn so với năm 2024. Trong đó, có 900ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 455ha đã đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 33 mã số vùng trồng đã được cấp phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Úc...

Nhiều sản phẩm OCOP của Tân Yên được quảng bá tại hội nghị. Ảnh: Phạm Minh.
Công tác xúc tiến tiêu thụ vải tiếp tục là điểm nhấn trong chiến lược của huyện Tân Yên. Ngay từ đầu vụ, công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và hệ thống truyền thanh cơ sở. Các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cũng được huyện tổ chức bài bản nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vùng nguyên liệu và người sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp, thương nhân đã sớm ký hợp đồng, tổ chức giám sát thu hoạch và đóng gói tại chỗ. Huyện Tân Yên cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu mua, vận chuyển như: Hỗ trợ địa điểm tập kết phương tiện, bố trí điểm cân, kiểm soát chất lượng, chuẩn bị vật tư như thùng xốp, đá lạnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... xuyên suốt mùa vải.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch huyện Tân Yên kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan truyền thông trong việc quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên. Ảnh: Phạm Minh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch huyện Tân Yên đề nghị các ban, sở, ngành tỉnh Bắc Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng, kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đến khảo sát, ký hợp đồng thu mua, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều chín sớm Tân Yên vào các thị trường tiềm năng. Đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan truyền thông trong việc quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên đến với người tiêu dùng.
Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở ra hướng đi bền vững cho nông sản đặc trưng của địa phương trong thời kỳ hội nhập.