| Hotline: 0983.970.780

Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi:

[Bài 2] Áp dụng công nghệ, giảm rủi ro và tăng hiệu quả

Thứ Sáu 11/07/2025 , 11:14 (GMT+7)

TÂY NINH Doanh nghiệp bắt tay người chăn nuôi, đưa công nghệ vào chuồng trại giúp giảm rủi ro, tăng hiệu quả, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi heo tại Tây Ninh.

Bài học từ kinh nghiệm

Những bài học thất bại từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đã thôi thúc nhiều nông hộ tại Tây Ninh đổi mới cách tiếp cận. Thay vì đi một mình, người chăn nuôi nơi đây đã bắt tay cùng các ông lớn ngành chăn nuôi như BAF, CP, De Heus. Nhờ sự bắt tay này, bà con đã nhanh chóng tiếp cận những công nghệ hiện đại, góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khu vực đặt trang trại của anh Phong ở xã Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực đặt trang trại của anh Phong ở xã Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang loay hoay với chi phí tăng cao, rủi ro dịch bệnh và đầu ra bấp bênh, thì trang trại với quy mô gần 6.000 con heo công nghệ cao của anh Cao Thanh Phong ở xã Tân Châu lại cho thấy năng suất vượt trội và khả năng kháng bệnh cao, giá cả ổn định.

Anh Cao Thanh Phong, chủ trang trại, cho biết, nhận thấy Tây Ninh đất rộng, khí hậu ôn hòa, chất lượng nguồn nước tốt, mật độ chăn nuôi chưa cao, năm 2021 anh quyết định mở trang trại tại đây. Thay vì tự thân vận động như người dân địa phương, anh nhận thấy ngành chăn nuôi heo gia công dù chi phí đầu tư ban đầu lớn, đổi lại nông hộ được tiếp cận phương thức chăn nuôi khoa học, giải pháp phòng trừ bệnh hiệu quả.

Anh Phong đầu tư hệ thống silo cho heo ăn tự động. Ảnh: Trần Trung.

Anh Phong đầu tư hệ thống silo cho heo ăn tự động. Ảnh: Trần Trung.

Qua thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong việc triển khai mô hình chăn nuôi công nghệ cao. Điểm nổi bật của mô hình này là ứng dụng công nghệ tự động hóa hoàn toàn trong chăn nuôi.

Tại các trang trại, hệ thống cho ăn, uống được lập trình chính xác theo từng giai đoạn sinh trưởng. Hệ thống quạt công nghiệp, máy lạnh, máy sưởi hoạt động đồng bộ, giữ môi trường chuồng trại luôn thông thoáng, giúp đàn heo khỏe mạnh, giảm stress, tăng trưởng nhanh và hạn chế dịch bệnh.

Ngoài ra, BAF cử kỹ sư thú y trực tiếp túc trực, giám sát định kỳ tại các trang trại. Mỗi khi phát hiện bất thường, tổ kỹ thuật sẽ xuống kiểm tra, xử lý ngay. Điều này giúp kiểm soát tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, một yếu tố sống còn trong chăn nuôi quy mô lớn. Anh Cao Thanh Phong đã tiên phong tham gia mô hình chăn nuôi heo gia công cho BaF Việt Nam.

Anh Phong cho biết thêm, theo hợp đồng, chủ trang trại chỉ cần đầu tư phần cơ sở hạ tầng chuồng trại đạt chuẩn, chuẩn bị nhân sự khâu chăn nuôi, phần còn lại từ chuyển giao con giống, cung cấp thức ăn, quản lý dịch bệnh đến bao tiêu sản phẩm đầu ra đều do BAF đảm nhiệm.

Hệ thống uống thông minh được lắp đặt đảm bảo cung cấp vừa đủ lượng nước giúp heo sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống uống thông minh được lắp đặt đảm bảo cung cấp vừa đủ lượng nước giúp heo sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ đầu tư bài bản vào chăn nuôi, bản thân anh không còn cảnh người thức khuya dậy sớm, khuân cám trộn nước, hì hụi quét dọn để nuôi heo bằng cơ bắp nữa. Thay vào đó, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, anh giám sát toàn bộ quy trình. Đặc biệt, nhờ áp dụng cơ giới hóa, chi phí sản xuất của trang trại được tiết giảm, qua đó giúp mang lại lợi nhuận cao hơn. Ngoài vấn đề môi trường được kiểm soát tốt, dịch bệnh trên đàn heo cũng được hạn chế tối đa.

Sắp ra mắt tổ hợp chăn nuôi heo cao tầng

Không chỉ bắt tay cùng nông dân xây dựng chuỗi liên kết tuần hoàn khép kín, hiện BAF Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai 2 tổ hợp trại nuôi heo 6 tầng khép kín, tích hợp công nghệ cao. Trong đó, dự án thứ nhất dự kiến được triển khai tại xã Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với quy mô 64.000 heo nái sinh sản, sản xuất 1,6 triệu heo thương phẩm mỗi năm.

Đại diện Công ty BAF Việt Nam tiết lộ, dự án dự kiến có quy mô lên tới 155 ha, bao gồm 16 tòa nhà (6 tầng/tòa), tích hợp hệ thống trang trại nuôi heo nái, heo thịt và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 600.000 tấn/năm.

Tổ hợp trại nuôi heo 6 tầng khép kín, tích hợp công nghệ cao dự kiến đặt tại Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: BAF.

Tổ hợp trại nuôi heo 6 tầng khép kín, tích hợp công nghệ cao dự kiến đặt tại Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: BAF.

Các tổ hợp trại cao tầng sẽ áp dụng các công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ đối tác chiến lược Muyuan - Tập đoàn chăn nuôi heo hàng đầu Trung Quốc tích hợp AI xử lý; hệ thống camera giám sát nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí; hệ thống khử mùi tới 98%, lọc và khử trùng không khí trước khi thải ra môi trường; đảm bảo tối đa an toàn sinh học do thiết kế các tầng tách biệt hoàn toàn.

Công ty sẽ khởi công xây dựng trong năm 2026 với thời gian triển khai từ 8-12 tháng. Việc đưa heo vào trại sẽ diễn ra vào khoảng giữa năm 2027. Khoảng 5 tháng sau khi đưa heo con vào hoặc khoảng 10 tháng tính từ heo nái sẽ có doanh thu đầu tiên, và đạt tối đa công suất trong khoảng 10-12 tháng. Thời điểm tối đa công suất, doanh thu từ tổ hợp nuôi heo cao tầng tại Tây Ninh ước tính lên đến hơn 10.000 tỷ đồng/năm.

Các trang trại cao tầng sẽ trở thành một xu thế mới, dựa trên việc quỹ đất chăn nuôi quy mô lớn đang ngày càng hạn hẹp, do đất còn được sử dụng cho các mục đích khác như trồng trọt, đất sản xuất... Theo mô hình này, hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm diện tích đến trên 5 lần. Đồng thời, thúc đẩy công nghiệp hóa chăn nuôi heo, góp phần ổn định nguồn cung và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trong nước.

Khi doanh nghiệp bắt tay cùng nông hộ, công nghệ được chuyển giao kịp thời, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát, đầu ra ổn định ngành chăn nuôi heo. Ảnh: Trần Trung.

Khi doanh nghiệp bắt tay cùng nông hộ, công nghệ được chuyển giao kịp thời, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát, đầu ra ổn định ngành chăn nuôi heo. Ảnh: Trần Trung.

Thực tiễn tại Tây Ninh cho thấy, chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, cơ giới hóa không chỉ giúp nông dân thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc mà còn mở ra hướng đi chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, khi doanh nghiệp bắt tay cùng nông hộ, công nghệ được chuyển giao kịp thời, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát, đầu ra ổn định ngành chăn nuôi heo bước vào một chu kỳ phát triển mới: hiện đại, xanh và có giá trị gia tăng cao hơn.

Xem thêm
Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi

LÂM ĐỒNG Người chăn nuôi ở Lâm Đồng nâng cao cảnh giác, chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa.

7.000 cây cau mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng

THANH HÓA Với 14.000 gốc cau, trong đó 7.000 cây đã cho thu hoạch, tốn ít công chăm sóc, thương lái thu mua tại vườn, ông Dũng có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Đưa khoa học công nghệ nâng tầm giá trị lâm sản ngoài gỗ

Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần giúp người dân, doanh nghiệp khai thác hiệu quả giá trị lâm sản ngoài gỗ, kết hợp bảo tồn rừng và ổn định sinh kế.

Bình luận mới nhất