| Hotline: 0983.970.780

Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài 1] Nuôi bò thông minh giảm phát thải

Thứ Năm 10/07/2025 , 16:47 (GMT+7)

Tây Ninh đang đẩy mạnh chăn nuôi thân thiện môi trường với mô hình chăn nuôi bò thông minh, giảm phát thải đang mở ra hướng đi mới ngành chăn nuôi bò địa phương.

Vỗ béo bằng công nghệ

Trên vùng đất pha cát tại phường Gia Lộc, trang trại bò thịt của Công ty TNHH Pacow International hiện ra như một tổ hợp khép kín giữa thiên nhiên và công nghệ. Trong khu chuồng trại rộng rãi, từng đàn bò giống Angus, Charolais, Hereford, Brahman lững thững đi lại, ăn uống nhịp nhàng theo chu kỳ nuôi vỗ béo. Không khí ở đây khác xa với hình dung về một trang trại chăn nuôi thông thường, khu chăn nuôi không phát thải mùi hôi, không ẩm thấp, thay vào đó là sự thông thoáng, sạch sẽ và rất yên tĩnh.

Công ty Pacow dùng xe cơ giới chuyện dụng phối trộn thức ăn cho đàn bò. Ảnh: Trần Trung.

Công ty Pacow dùng xe cơ giới chuyện dụng phối trộn thức ăn cho đàn bò. Ảnh: Trần Trung.

Ông Oàn Lộc Phến, Giám đốc Công ty vừa dẫn chúng tôi tham quan, vừa chia sẻ: “Tôi bắt đầu đầu tư mô hình này từ hơn 10 năm trước, sau quá trình học hỏi từ các kỹ sư chăn nuôi trong nước và các mô hình tiên tiến của Úc. Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng hiệu quả môi trường và kinh tế mang lại không thể bàn cãi”.

Theo ông Phến, điểm nổi bật nhất trong quy trình nuôi bò tại Pacow chính là việc kiểm soát khẩu phần ăn để giảm phát sinh khí methane, một trong những loại khí nhà kính có tác động mạnh gấp 28 lần CO₂. Ông Phến giải thích: “Tùy giai đoạn nuôi, từ khi bắt đầu vỗ béo đến giai đoạn tăng trọng, khẩu phần được điều chỉnh linh hoạt. Chúng tôi bổ sung các phụ gia sinh học như tannin, dầu thực vật, men Bacillus subtilis, cám lên men... giúp bò tiêu hóa tốt hơn và thải ra ít khí độc hơn”.

Qua đó, bò không ăn nhiều hơn, nhưng hấp thụ hiệu quả hơn, béo nhanh hơn và rút ngắn chu kỳ nuôi, đồng nghĩa với việc giảm phát thải khí methane từ 30-35% so với chăn nuôi truyền thống. Một con số không nhỏ trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chịu sức ép lớn về môi trường.

Xe cơ giới chuyện dụng phân phối thức ăn cho đàn bò. Ảnh: Trần Trung.

Xe cơ giới chuyện dụng phân phối thức ăn cho đàn bò. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ đổi mới khẩu phần ăn sinh học, tại Pacow, toàn bộ quy trình chăn nuôi vỗ béo bò được cơ giới hóa cao độ, giúp nâng hiệu suất vận hành, giảm chi phí nhân công và đặc biệt là giảm phát thải từ chuồng trại.

Từ khâu xây trữ, ủ chua, phối trộn thức ăn, đến cho ăn, đảo phân, tất cả các khâu đều được vận hành bằng xe cơ giới chuyên dụng. Nhờ đó, việc cung cấp thức ăn cho đàn bò được thực hiện nhanh chóng, đều đặn, hạn chế thất thoát và đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng. Cùng lúc, công đoạn xử lý chất thải cũng được rút ngắn, hạn chế phát sinh khí độc như amoniac, methane trong môi trường chuồng trại.

Đặc biệt, từng con bò tại Pacow còn được áp dụng hệ thống nhận diện và theo dõi bằng mã số điện tử và công nghệ quét tự động, giúp truy xuất nguồn gốc đến từng khâu: từ con giống được tuyển chọn kỹ càng, loại trừ hoàn toàn mầm bệnh, đến lịch sử tiêm phòng, khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Xe cơ giới chuyên dụng xử lý phân giúp hạn chế mùi hôi, giảm phát thải. Ảnh: Trần Trung.

Xe cơ giới chuyên dụng xử lý phân giúp hạn chế mùi hôi, giảm phát thải. Ảnh: Trần Trung.

“Bò ở đây không sử dụng chất tăng trưởng hay chất tạo nạc. Chúng tôi để bò phát triển hoàn toàn tự nhiên, nhờ dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc chuẩn hóa và môi trường sống tối ưu. Đó là cách duy nhất để sản phẩm thịt sạch, an toàn ngay từ khâu đầu vào. Công ty không chỉ tạo ra sản phẩm thịt bò thơm ngon, mà còn hướng đến lối sống ăn sạch và sống khỏe của người tiêu dùng”, ông Oàn Lộc Phến khẳng định.

Ấn tượng với trang trại bò sữa Vinamilk

Tây Ninh không chỉ có bò thịt. Cách Gia Lộc chưa đầy một giờ chạy xe, tại xã Long Khánh là trang trại bò sữa Green Farm của Vinamilk, quy mô gần 8.000 con, trong đó khoảng 4.000 con trong độ tuổi khai thác, vắt sữa. Chị Lê Thị Kiều Linh, kỹ thuật viên trại bò, nhiệt tình chia sẻ: “Bò sữa rất nhạy cảm, đặc biệt khi nắng nóng, dễ stress, giảm sữa. Vậy nên chuồng trại ở đây phải mát, sạch, có hệ thống làm mát tự động và quản lý vi khí hậu nghiêm ngặt”.

Đoàn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh tham quan Green Farm. Ảnh: Trần Trung.

Đoàn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh tham quan Green Farm. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại duy trì chu kỳ vắt sữa 305 ngày/năm, năng suất đạt 28-30kg/ngày/con. Dù không có lợi thế khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, nhưng chất lượng sữa tại Green Farm vẫn đảm bảo đồng đều nhờ quy trình chăm sóc khép kín, kiểm soát từng chi tiết nhỏ nhất.

Đặc biệt, toàn bộ chất thải hữu cơ từ trại bò đều được tái chế qua hệ thống biogas, tạo năng lượng tái tạo phục vụ nội bộ: nước nóng thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ, thậm chí chạy một phần thiết bị chuồng trại. Phân bò trở thành phân hữu cơ cải tạo đất, dùng trong vùng nguyên liệu trồng cỏ, bắp, lúa... tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn hoàn chỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh là một trong những tỉnh có quỹ đất nông nghiệp lớn của Đông Nam Bộ, thuận lợi để quy hoạch các khu chăn nuôi xa khu dân cư, quy mô lớn và đảm bảo an toàn sinh học. Tuy nhiên, để mô hình “bò thông minh, phát thải thấp” được nhân rộng, vẫn còn không ít rào cản.

Khu vực chăn nuôi bò sữa của Green Farm. Ảnh: CTV.

Khu vực chăn nuôi bò sữa của Green Farm. Ảnh: CTV.

Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu của các mô hình như Pacow hay Vinamilk là không nhỏ: từ chọn giống ngoại, xây chuồng trại đạt chuẩn đến kiểm soát khẩu phần ăn, kỹ thuật xử lý chất thải, vận hành công nghệ. “Nhưng đổi lại, chúng ta có năng suất cao, dịch bệnh kiểm soát, môi trường được bảo vệ, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đó là lối đi lâu dài cho một ngành chăn nuôi bền vững”, bà nói.

Thực tế, xu hướng chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ, tận dụng sang mô hình tập trung, ứng dụng công nghệ đang lan rộng tại nhiều địa phương của Tây Ninh. Không chỉ là giải pháp kỹ thuật, đây còn là cách để ngành chăn nuôi địa phương tiếp cận thị trường cao cấp hơn, từ các siêu thị trong nước đến thị trường quốc tế.

“Chỉ khi ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành chăn nuôi Tây Ninh mới thật sự bứt phá, thoát khỏi hình thức tận dụng, manh mún và hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, xanh và có trách nhiệm”, bà Loan khẳng định.

Xem thêm
Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Giống lúa KU57 và sự cố lúa lép: Thông tin dễ gây hiểu lầm pháp lý

Pháp luật về giống lúa quy định giống phải được công nhận lưu hành, không có các khái niệm đăng ký, xin phép trình diễn khảo nghiệm hay cơ cấu giống.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất