Tây Ninh siết chặt an toàn dịch bệnh, hướng tới vùng chăn nuôi xuất khẩu
Thứ Tư 28/05/2025 , 10:04 (GMT+7)
Phòng dịch là yếu tố then chốt để bảo vệ gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi Tây Ninh đang cùng doanh nghiệp và chính quyền siết chặt kiểm soát dịch bệnh. Từ nông hộ nhỏ lẻ đến trang trại hiện đại, công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi đang được chú trọng hơn bao giờ hết, nhằm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, bền vững.
Tây Ninh siết chặt an toàn dịch bệnh, hướng tới vùng chăn nuôi xuất khẩu
Không đợi đến khi có dịch mới lo phòng, người chăn nuôi Tây Ninh đang cùng doanh nghiệp và chính quyền siết chặt kiểm soát dịch bệnh, từ nông hộ nhỏ lẻ đến trang trại hiện đại - để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn bền vững.
MC dẫn đầu:
Thưa quý vị và các bạn,
Chăn nuôi không còn là câu chuyện riêng của từng hộ nông dân hay từng trang trại. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp và thị trường ngày càng khắt khe, bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh đã trở thành yếu tố sống còn, không chỉ để giữ nghề mà còn để mở cửa ra thế giới.
Tại Tây Ninh - một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm của phía Nam, tư duy phòng bệnh đã và đang thay đổi. Người nông dân không đợi dịch mới lo, doanh nghiệp không đợi quy định mới làm. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, đang dần hiểu rằng: chỉ khi cả vùng an toàn, thì mỗi sản phẩm mới có giá trị.
Mời quý vị cùng theo dõi câu chuyện sau đây để hiểu rõ hơn hành trình Tây Ninh đang từng bước xây dựng vùng chăn nuôi an toàn - từ ý thức, đến hành động, và cả những áp lực tích cực đến từ các doanh nghiệp FDI.
Phóng sự:
Nhiều năm trở lại đây, người chăn nuôi ở Tây Ninh đã không còn đợi đến khi có dịch mới bắt đầu lo phòng bệnh. Họ hiểu rằng: muốn chăn nuôi bền vững thì đàn vật nuôi phải khỏe mạnh, chuồng trại phải sạch sẽ, an toàn phải được giữ từ trong ra ngoài.
Ý thức ấy không đến từ các văn bản, mà đến từ chính thực tế - khi chỉ cần một lần dịch bệnh tràn qua, là cả cơ nghiệp có thể trắng tay. Và cũng từ nhận thức ấy, nhiều hộ nông dân đã tự xây dựng cho mình quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, chẳng khác gì một trang trại chuyên nghiệp.
Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ của Tây Ninh vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu giám sát. Đây chính là “kẽ hở” khiến mầm bệnh có thể len lỏi và bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, ý thức phòng bệnh từ các hộ dân là nền tảng quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh.
Chính điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho chính quyền tỉnh Tây Ninh: phải siết lại toàn bộ quy trình kiểm soát dịch bệnh từ nhận thức đến hành động, từ từng hộ nuôi đến toàn vùng chăn nuôi. Những yêu cầu khắt khe hơn, đồng bộ hơn đã được đặt ra để từng bước biến vùng chăn nuôi an toàn thành một chuẩn mực, chứ không còn là ngoại lệ.
Trong nỗ lực xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI đóng vai trò không nhỏ. Không chỉ mang theo nguồn vốn và công nghệ cao, họ còn đem đến những quy trình phòng chống dịch bệnh được chuẩn hóa nghiêm ngặt, từ cổng trại đến từng ô chuồng.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không thể chỉ dừng lại ở quy mô cấp trại hay cấp huyện. Tây Ninh đang hướng đến mục tiêu lớn hơn: vùng an toàn cấp tỉnh, thậm chí là liên tỉnh - đủ điều kiện xuất khẩu bền vững.
Muốn chăn nuôi an toàn thì không thể làm một mình. Tây Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn không chỉ giữ đàn vật nuôi khỏe mạnh, mà còn hướng tới xuất khẩu, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh liên tỉnh, gắn với chuỗi liên kết bền vững.
Tây Ninh đã đi những bước đầu tiên đầy quyết liệt. Vấn đề còn lại là sự bền bỉ và đồng lòng trên con đường dài phía trước.