
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên). Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tới 96% trong tổng số gần 39.000 cơ sở chăn nuôi của tỉnh. Điều này khiến công tác phòng chống dịch bệnh trở nên phức tạp, do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường thiếu kiến thức và nguồn lực để thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 75 ổ dịch tại 55 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố, làm chết và buộc tiêu hủy gần 8.600 con gia súc, gia cầm. Hiện nay dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến sinh kế người dân và môi trường đầu tư của tỉnh.
Theo ông Trần Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thiên Thuận Tường, việc phòng chống dịch bệnh đối với các mô hình chăn nuôi nông hộ rất khó khăn vì không duy trì được khoảng cách an toàn. Ngoài ra, những người chăn nuôi nông hộ thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây. Vì vậy, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn dịch bệnh là hướng đi cần thiết để ổn định đàn vật nuôi, phát triển ngành chăn nuôi một cách hiệu quả.
Ngày 04/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 5 vùng cấp xã được công nhận an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, Newcastle; có 5 vùng được công nhận an toàn dịch bệnh dại. Giai đoạn 2026 - 2030, duy trì và mở rộng lên 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã.

Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái an toàn sinh học của HTX Vạn Thành Phát. Ảnh: Nguyễn Thành.
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi và hỗ trợ tiêm phòng vacxin. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ, nhằm nâng cao nhận thức và khả năng thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã tập trung vào việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn Global GAP và liên kết với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Điển hình là Công ty TNHH Phú Lâm và Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, hai đơn vị đang được hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với Trung Quốc về nông nghiệp và yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang thị trường này. Đây là bước đi chiến lược, giúp nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và tạo động lực cho người nông dân đầu tư vào các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay mà còn là bước đi chiến lược để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Quảng Ninh có 1.244 trang trại chăn nuôi, 06 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, 56 HTX có hoạt động chăn nuôi, 61 cơ sở được chứng nhận VietGAP, an toàn dịch bệnh và 5 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã với tổng đàn vật nuôi trên 6 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 103 nghìn tấn/năm. Chăn nuôi của tỉnh mới đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, còn lại phải nhập từ các tỉnh trên cả nước.