
Phiên thảo luận về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản chiều 10/5. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tỉnh Bắc Ninh thực hiện, chiều 10/5, diễn ra phiên thảo luận về các lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản nhằm thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.
Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, khoa học công nghệ trong ngành chăn nuôi, thú y đã được quan tâm từ rất sớm, đến nay cũng đã đạt được một số thành công: "Khoa học công nghệ tiên phong, nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đua tài và người dân hưởng lợi".
Với Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Thắng cho rằng, chưa bao giờ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo lại được quan tâm như vậy: "Ngành chăn nuôi, thú y cũng đang hòa nhịp trong dòng chảy đó".
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi, thú y hiện nay phát triển xoay quanh 5 trụ cột chính gồm: Giống; Thức ăn; Công nghệ môi trường; Phòng chốnh dịch bệnh; Giết mổ chế biến, mỗi yếu tố đều đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Định hướng và giải pháp
Về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi năng suất cao, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, kháng bệnh tốt bằng công nghệ sinh học.
Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 Thủ tướng.
Về công nghệ chuồng trại và quản lý môi trường chăn nuôi, ông Thắng nhấn mạnh tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.
Trong đó, ưu tiên phát triển nền tảng số hóa quản lý trại chăn nuôi, ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc cơ sở và sản phẩm chăn nuôi, ứng dụng các thành tựu về công nghệ chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, kiểu chuồng nuôi nhằm tối ưu hóa hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ vi sinh vật, enzym, vật liệu nano trong xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y trình bày tham luận về đột phá khoa học công nghệ. Ảnh: Tùng Đinh.
Ngoài ra là các định hướng về phát triển các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi trên nhà nhiều tầng, chăn nuôi đặc sản.
Chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh được định hướng ưu tiên như phát triển bộ kit chẩn đoán nhanh, công nghệ xét nghiệm phân tử (PCR nhanh, CRISPR-diagnostics), ứng dụng AI trong cảnh báo, dự báo dịch bệnh động vật.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu vacxin thế hệ mới, vacxin đa giá phòng nhiều bệnh, phát triển thuốc thú y sinh học, an toàn, không kháng sinh, thân thiện môi trường.
Cuối cùng là chuyển đổi số trong thú y chú trọng đến hệ thống quản lý dịch bệnh động vật quốc gia tích hợp dữ liệu đa nguồn (big data), blockchain truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Để thực hiện thành công những định hướng này, Cục trưởng Dương Tất Thắng nhấn mạnh, cần hoàn thiện thể chế theo hướng tinh gọn thủ tục hành chính, tạo đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiệu quả và hội nhập. Tiếp theo là hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, mã số vùng nuôi, giết mổ... và xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường.
Bên cạnh đó là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nâng cấp hệ thống quản lý thông tin kiểm soát giết mổ, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung cho quản lý thuốc thú y và cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế.
15 năm qua (2010-2024), năng suất chăn nuôi ước tính tăng từ 5 - 20% tuỳ theo chỉ tiêu. Trong đó, sản lượng thịt các loại tăng hơn 2 lần (từ 4.0 triệu tấn lên hơn 8,28 triệu tấn), trứng tăng 3 lần (từ gần 6,4 tỷ quả lên 20,2 tỷ quả), sữa tươi tăng 4 lần (từ 0,3 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn).
Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu khẳng định giá trị và thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế như: Mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến...
Nhiều lĩnh vực của ngành chăn nuôi và thú y hiện nay đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới (trên 100 triệu con); sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (21,5 triệu tấn) đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.