| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ gà thả vườn phát triển mạnh thêm vật nuôi mới

Thứ Sáu 09/05/2025 , 09:12 (GMT+7)

VĨNH LONG Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm đặt mục tiêu nâng tổng đàn thỏ lên 18-20 ngàn con và trở thành một trong những đối tượng chăn nuôi chủ lực của địa phương.

Lãnh đạo xã Trung Hưng tham quan mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Ảnh: Hồ Thảo.

Lãnh đạo xã Trung Hưng tham quan mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Ảnh: Hồ Thảo.

Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ thả vườn” của tỉnh, bởi có nhiều hộ chăn nuôi gà thả vườn, với tổng đàn ngày một tăng. 

Bên cạnh phát huy thế mạnh sẵn có, địa phương cũng đang từng bước đa dạng hóa vật nuôi nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong đó, mô hình nuôi thỏ thương phẩm đang nổi lên như một hướng đi mới đầy triển vọng.

Ông Trần Văn Khanh, ngụ ấp Gạch Ngay chia sẻ, ban đầu ông còn e dè khi được tổ hợp tác nuôi thỏ thương phẩm của xã vận động tham gia, vì lo ngại đầu ra không ổn định. Do đó, ông chỉ mua 5 con về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, sau thời gian chăm sóc, ông nhận thấy thỏ dễ nuôi, ít tốn công, dễ tiêu thụ và mang lại lợi nhuận khá, nên mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, ông đang sở hữu hơn 300 con thỏ, trong đó có trên 60 con thỏ nái.

Ông Khanh cho biết, việc nuôi thỏ không quá vất vả, mỗi sáng ông chỉ cần chuẩn bị rau cỏ, nước uống và vệ sinh chuồng trại. Điều quan trọng là giữ cho môi trường sống của thỏ luôn mát mẻ, tránh tình trạng nóng lạnh thất thường.

Thỏ bắt đầu sinh sản ổn định từ khoảng 4-5 tháng tuổi, trung bình mỗi lứa đẻ 6-8 con, thậm chí có khi lên đến 10 con. Khi thỏ con được khoảng một tháng tuổi thì tách đàn, sau đó nuôi thêm khoảng 3 tháng là có thể xuất bán. Thỏ trưởng thành đạt trọng lượng từ 2-2,2 kg/con, với giá bán khoảng 65.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 50.000 đồng mỗi con.

"Để đạt hiệu quả, người nuôi cần chú ý chăm sóc kỹ thỏ mẹ trong thời gian sinh sản, bổ sung dinh dưỡng để thỏ con phát triển tốt. Thỏ con từ 3-5 ngày tuổi cần được ngừa E.coli, đến khoảng 25 ngày tiêm phòng ký sinh trùng đường ruột và 30 ngày tách đàn. Nếu thực hiện đúng quy trình, thỏ phát triển nhanh và tỷ lệ hao hụt thấp", ông Khanh lưu ý.

Ông Khanh đang dự định xây thêm chuồng để nhân rộng đàn thỏ. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Khanh đang dự định xây thêm chuồng để nhân rộng đàn thỏ. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Đồng Ngọc Quí, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp, đánh giá đây là mô hình phù hợp với những hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ. Người dân có thể tận dụng chuồng trại cũ và nguồn rau xanh sẵn có tại địa phương làm thức ăn cho thỏ, góp phần giảm chi phí đầu tư ban đầu. Đặc biệt, phân thỏ là loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, rất thích hợp để bón cho vườn cây ăn trái.

Bên cạnh đó, nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rau, cỏ, lá cây tại địa phương khá dồi dào, giúp việc chăn nuôi thỏ tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ tại các nhà hàng, quán ăn ở TP. Vĩnh Long và TP. Cần Thơ ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội để người dân mở rộng quy mô, tiến tới sản xuất hàng hóa.

Để hoạt động chăn nuôi hiệu quả, chính quyền địa phương đang vận động người dân tham gia tổ hợp tác nuôi thỏ. Từ 1-2 hộ ban đầu, đến nay tổ hợp tác đã thu hút 20 hộ tham gia, với tổng đàn thỏ đạt khoảng 8.000-9.000 con, trong đó có khoảng 5.000 con thỏ nái. Mục tiêu đến cuối năm sẽ nâng số lượng thỏ nái lên, góp phần tạo sinh kế bền vững và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thỏ thương phẩm Trung Hưng cho biết, tham gia tổ hợp tác các thành viên dễ dàng trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. “Mỗi tháng tổ hợp tác họp một lần. Anh em ai biết kỹ thuật thì chia sẻ, ai có đầu ra thì giới thiệu cho nhau. Làm chung vậy mới có động lực, chứ mạnh ai nấy làm thì khó đi xa”, ông Út nói.

Nuôi thỏ không tốn nhiều chi phí, bởi chúng chủ yếu ăn rau. Ảnh: Hồ Thảo.

Nuôi thỏ không tốn nhiều chi phí, bởi chúng chủ yếu ăn rau. Ảnh: Hồ Thảo.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp, Đồng Ngọc Qúi, cho biết thêm: Xã đang phối hợp chặt chẽ với tổ hợp tác nuôi thỏ và các đoàn thể xã, ấp để vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Mục tiêu trong thời gian tới là nâng tổng đàn thỏ lên 18-20 ngàn con, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

"Khi sản lượng đàn thỏ đủ lớn, chúng tôi sẽ chủ động cung cấp nguồn thịt thỏ ổn định cho thị trường, đồng thời xây dựng thương hiệu cho ngành nuôi thỏ tại Trung Hiệp. Để hướng mô mình sẽ trở thành một trong những ngành chăn nuôi chủ lực của xã." Ong Quí chia sẻ.

Xem thêm
Số hóa kiểm dịch 40 - 50 tỷ con tôm giống mỗi năm

NINH THUẬN Nhờ số hóa khai báo kiểm dịch nên các thủ tục thanh toán phí, nhận kết quả trong sản xuất, kinh doanh tôm giống ở Ninh Thuận đơn giản, nhanh chóng.

Cây ăn quả, trụ cột mới của nông nghiệp Đắk Nông

Với khoảng 20 nghìn ha, cây ăn quả đang ngày càng trở thành trụ cột trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông.

Cần cơ chế mạnh hơn cho tổ khuyến nông cộng đồng

Tổ khuyến nông cộng đồng được xác định là lực lượng đóng vai trò nòng cốt tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Ứng dụng công nghệ tự động, trại gà đứng vững trước dịch bệnh

BÌNH DƯƠNG Nhờ áp dụng công nghệ tự động, trại gà Lê Thảnh đã vươn lên thành mô hình điển hình không chỉ về năng suất mà còn là điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh.

Cần Thơ thả 100.000 con cá về tự nhiên

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ vừa tổ chức thả 100.000 con cá các loại về tự nhiên, nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Những khu 'rừng ma' ở Sơn La: [Bài 2] Luật tục ở bản Kết Nà

"Một buổi trưa tôi thấy con rắn hổ mang chúa da đen xì, dài gần 4m, to hơn cả bắp chân, nặng ước vài chục cân từ 'rừng ma' bò ra đường gần nhà mình.”

Bình luận mới nhất