Ngày 8/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ: Đánh giá, bảo tồn nguồn gen giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và thú y tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý và các viện, trường. Ảnh: Lê Bình.
Khai phá “mỏ vàng” nguồn gen
Việt Nam đang sở hữu kho tàng nguồn gen phong phú, quý hiếm trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, đa dạng sinh học đang bị suy giảm do khai thác quá mức, canh tác thiếu bền vững và tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen hiện là trọng tâm trong chiến lược đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp.
“Hiện 57 nguồn gen thủy sản quý hiếm và 15 nguồn gen vi tảo đang được bảo tồn tại các viện nghiên cứu chuyên ngành. Các nguồn gen sau khi thu thập được đánh giá, tư liệu hóa để phục vụ nghiên cứu, nhân giống và phát triển sản phẩm mới. Nhiều loài quý hiếm như cá dầm xanh, cá anh vũ, cá song da báo... đã được phục hồi. Một số loài từng nằm trong Sách đỏ đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, bà Thu chia sẻ.
Một số nguồn gen đã thương mại hóa thành công như cá song vua, cá hồi vân, cá rô phi, cá ngạnh... Đặc biệt, các viện nghiên cứu hiện đóng vai trò cung cấp giống gốc cho các cơ sở sản xuất, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi được thực hiện qua hai hình thức: tại chỗ (in-situ) và chuyển chỗ (ex-situ). Viện Chăn nuôi đã bảo tồn 21 nguồn gen gia súc, gia cầm; 3 nguồn gen ong và 7 vật liệu di truyền. Nhiều giống đặc sản như trâu Bảo Yên, gà Lạc Thủy, lợn Hương, dê đen... đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa, được đưa vào danh mục giống gốc quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định, việc bảo tồn nguồn gen mới chỉ là bước đầu. “Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc giữ gìn gen quý như bảo vật trong tủ kính. Phải đưa những vật liệu di truyền ấy thành sản phẩm thương mại, có thể cạnh tranh toàn cầu như bò Kobe, cá hồi Na Uy, bò Wagyu mà các nước đã làm được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng.
Từ những dòng giống bản địa, một số loài đã được phục hồi, nhân giống và thương mại hóa thành công như cá song vua, cá rô phi, cá hồi vân hay gà Lạc Thủy. Nhưng con số này vẫn quá nhỏ so với tiềm năng gen bản địa đang được bảo tồn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay không nằm ở số lượng nguồn gen mà nằm ở khả năng làm chủ công nghệ để giải mã, đánh giá và chuyển hóa chúng thành giá trị thực tiễn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng, công nghệ sinh học và bảo tồn gen phải như “dây diều” để giúp các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu đi nhiều thị trường tiềm năng. Điều này không chỉ giúp ngành chăn nuôi và thủy sản thoát khỏi sự luẩn quẩn của chính mình mà còn xây dựng thêm được các thương hiệu, giá trị mới.
Nghị quyết 57 - đòn bẩy cho bước ngoặt công nghệ
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng là cú hích lớn cho ngành nông nghiệp. Lần đầu tiên, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là trụ cột phát triển mới trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thay vì chỉ là “bệ đỡ” như trước đây.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn. Ảnh: Lê Bình.
“Chúng tôi tin rằng, với Nghị quyết 57, các chương trình trọng điểm về nghiên cứu giống, dữ liệu gene quốc gia, hoặc hợp tác công - tư trong chọn tạo giống sẽ được ưu tiên, tiếp cận nguồn lực tốt hơn. Khi khoa học được coi trọng, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư hơn, nhà khoa học có cơ hội được đãi ngộ xứng đáng hơn”, bà Nguyễn Giang Thu nhấn mạnh.
Nghị quyết 57 không chỉ mang tính định hướng mà còn mở ra hành lang pháp lý mới cho việc đặt hàng nghiên cứu theo nhu cầu thị trường, chi trả theo kết quả đầu ra, khuyến khích xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu công nghệ gen. Đây chính là những yếu tố nền tảng giúp rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.
Việc phát triển chăn nuôi và thủy sản không còn dừng ở khai thác tự nhiên hay sản xuất truyền thống mà phải tiến tới sản xuất có kiểm soát - từ gen, giống, dinh dưỡng, môi trường đến thương mại hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ khi đó, nông nghiệp Việt Nam mới thực sự chuyển mình từ nông nghiệp dựa vào tài nguyên sang nông nghiệp dựa vào khoa học.
Đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản vượt mốc 70 tỉ USD trong những năm tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Công nghệ gen sẽ là đòn bẩy để tạo ra dòng sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng tri thức cao, bền vững, khác biệt và mang thương hiệu Việt ra thế giới”.

Cán bộ Trung tâm Vigova (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ) lấy mẫu máu để phân tích, đánh giá các chỉ số của giống gà Mã Đà có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Lê Bình.
Nếu không làm chủ công nghệ gen, chúng ta sẽ tiếp tục đi sau và phụ thuộc. Nhưng nếu tận dụng tốt đòn bẩy từ Nghị quyết 57, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành quốc gia sáng tạo gen, thay vì chỉ là quốc gia bảo tồn gen.
Không chỉ hướng ra thế giới với mục tiêu tăng trưởng GDP và thu về nguồn ngoại tệ quý giá, nền nông nghiệp Việt Nam còn phải đáp ứng trọn vẹn nhu cầu ngày càng cao của hơn 100 triệu người dân trong nước - từ chất lượng thực phẩm đến bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Để làm được điều đó, khoa học công nghệ cần đi đúng hướng, trở thành trụ cột cho một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và đủ sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.