| Hotline: 0983.970.780

Giữ nguồn gen cây bản địa

Đánh thức chè shan tuyết ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

Chủ Nhật 04/05/2025 , 16:40 (GMT+7)

Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện có khoảng 2.000 cây chè shan tuyết có tuổi đời từ 20 năm trở lên. Chúng giống như 'người đẹp ngủ trong rừng' chờ được đánh thức.

Chị Trần Thị Huệ - Trưởng xóm Lấp bên một cây chè shan tuyết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Trần Thị Huệ - Trưởng xóm Lấp bên một cây chè shan tuyết. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Sao đu đưa" khó bán giá cao

Theo con đường nhỏ len lỏi giữa những tán cổ thụ rợp bóng mát của Vườn quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ), tôi tìm về vùng chè shan tuyết của xóm Lấp. Cạnh con suối cạn là túp lều lá cọ của vợ chồng bà Hà Thị Sơn.

Đang bận chẻ mấy thân bương để sửa lại vách lều nhưng họ vẫn ngừng tay rồi xởi lởi mời tôi một chén chè shan tuyết “sao đu đưa”. Sở dĩ có cái tên ấy là bởi khi hái chè về bà con ở đây phơi chúng trên một tấm phên đan treo đu đưa phía trên bếp tới khi những cánh chè sẫm mầu, săn lại thì cho vào ống nứa treo trên gác bếp, lúc dùng thì lấy xuống pha. Nước chè đỏ sẫm, mùi khá nồng nên không hấp dẫn cả về thị giác lẫn khứu giác, vị giác với người thành phố.

“Chúng tôi đang bán cho khách du lịch mỗi kg chè shan tuyết khô 50.000 đồng trong khi đó 5 kg búp tươi mới sao được 1 kg chè khô nên không mấy hiệu quả. Giờ vườn nhà chỉ còn lại khoảng 70-80 cây thôi”, bà Hà Thị Sơn than.

Vì không hiệu quả kinh tế, bà Hà Thị Sơn đã chặt bỏ dần những cây chè shan tuyết để trồng ngô, sắn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì không hiệu quả kinh tế, bà Hà Thị Sơn đã chặt bỏ dần những cây chè shan tuyết để trồng ngô, sắn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1986 bà về làm dâu ở đây đã thấy trong vườn có cây chè shan tuyết, cao to sừng sững. Về sau do già quá nên nó đã chết. Giống chè shan tuyết này được người Dao di thực về Xuân Sơn từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Theo gương bố chồng, bà cũng đi tìm những cây chè shan tuyết còn nhỏ trên núi, đánh về vườn để trồng. Đặc biệt là từ năm 2002, khi Vườn quốc gia Xuân Sơn cấp giống cho thì bà nhận trồng tới 100 cây và chúng sinh trưởng, phát triển rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi này.

Xóm Lấp có 61 hộ người Mường thì có 15 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhà bà Hà Thị Chính thuộc hộ nghèo. Bà kể, trước đây trên khu đồi rộng 4 ha nhà mình vẫn có một số cây chè shan tuyết loại có búp nhiều lông trắng, nguồn gốc từ trên rừng ở xóm Tô mang về trồng.

Sau đó Vườn quốc gia Xuân Sơn mới có mô hình cấp cho dân giống chè shan tuyết loại búp không có lông để trồng. Bởi thế mà hiện nay trong vườn nhà bà tồn tại song song cả hai loại chè này. Cũng theo bà Chính, giống chè shan tuyết có lông uống ngon và đậm đà hơn giống không có lông, pha 5-6 lần mà nước vẫn chưa bị nhạt.    

Chị Trần Thị Huệ - Trưởng xóm Lấp đo đường kính gốc một cây chè shan tuyết trồng 20 năm trước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Trần Thị Huệ - Trưởng xóm Lấp đo đường kính gốc một cây chè shan tuyết trồng 20 năm trước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Chính chẳng có kiểu chế biến nào khác ngoài kiểu “sao đu đưa” rồi bán 120.000 đồng/kg. Thời gian gần đây do chồng đau ốm, bận việc nên bà không sao chè được, để cây mọc như rừng vươn ngọn cao 4-5m.

Cơ hội để thoát nghèo nếu...

Chị Trần Thị Huệ - Trưởng xóm Lấp khẳng định với tôi rằng: “Bây giờ làm cái gì cũng phải kinh tế là hàng đầu. Nếu không mang lại kinh tế thì người dân sẽ chán ngay”. Theo thống kê sơ bộ, trong khu vực của Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện có khoảng 2.000 cây chè shan tuyết có tuổi đời từ 20 năm trở lên mọc rải rác ở các xóm Dù, Cỏi, Lạng, Lùng Mằng.

Đặc biệt ở xóm Lùng Mằng có quần thể 67 gốc chè to cỡ người ôm, thân phủ đầy rêu mốc, tuổi đời từ 50-60 năm vẫn sinh trưởng tươi tốt, ra búp non mơn mởn. Những cây chè cao hàng chục mét nên khi hái bà con phải trèo lên tận ngọn. Mùa thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch.

Một cây chè shan tuyết cỡ lớn ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: Quốc Hội.

Một cây chè shan tuyết cỡ lớn ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: Quốc Hội.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn từng có đề tài điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chè shan tuyết, trong đó có thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến để từng bước nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Trần Đăng Hùng - Phó Giám đốc Vườn khẳng định: Không phải chè shan tuyết khó tiêu thụ mà là do bà con ở xã Xuân Sơn chưa biết cách chế biến. Một xưởng chế biến ở xã Xuân Đài đang thu mua búp chè shan tuyết từ xã Xuân Sơn về, số lượng bao nhiêu cũng hết với giá 30.000 - 40.000 đồng rồi chế biến thành chè khô, bán 400.000 - 500.000 đồng/kg.

Làm chè shan tuyết có một cái khó là nguồn nguyên liệu không tập trung, lao động phải đi hái xa, mỗi ngày chỉ được vài chục kg búp là nhiều, nếu người ngoài mở xưởng chế biến ở Xuân Sơn thì sẽ không có việc thường xuyên, còn để dân tự làm thì không đúng kỹ thuật, chất lượng hạn chế nên giá bán rẻ.

Trong chiến lược phát triển Vườn quốc gia Xuân Sơn trở thành điểm du lịch quốc gia thì việc có một sản phẩm du lịch đặc trưng như chè shan tuyết cổ Phú Thọ là điều đáng phải lưu tâm. Những cây chè mọc giữa rừng cho búp một cách tự nhiên, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ PGS. Nếu có một doanh nghiệp dám đi tiên phong, biết cách đánh thức những "người đẹp ngủ trong rừng" này thì sẽ tạo ra nguồn sinh kế không nhỏ cho người dân.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích 15.048 ha, được phân chia thành 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 9.099ha; Phân khu phục hồi sinh thái 5.737 ha; Phân khu dịch vụ hành chính 212 ha. Một ngày ở Xuân Sơn thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông. Đây là lợi thế của vườn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Cháu bé 3 tuổi tử vong do bệnh dại

GIA LAI Bị chó hoang cắn, tuy nhiên gia đình không đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vacxin khiến cháu bé 3 tuổi tử vong ngay sau đó.

Đi giữa ngàn xanh

GIA LAI Khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: ‘Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 1]  Áp dụng kiến thức tập huấn vào thực tiễn

Những kiến thức từ các lớp tập huấn được người dân tiếp thu, vận dụng vào quá trình nuôi trồng thủy sản của gia đình, giúp gia tăng hiệu quả hơn trước.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.