Bảo tồn nguồn gen - hướng đi tất yếu cho chăn nuôi bền vững
Thứ Sáu 09/05/2025 , 09:52 (GMT+7)
Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi là hướng đi tất yếu để nâng tầm chăn nuôi Việt, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bảo tồn nguồn gen - Hướng đi tất yếu cho chăn nuôi bền vững
Sapo:Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi là hướng đi tất yếu để nâng tầm chăn nuôi Việt, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sáng ngày 8/5 tại TP.HCM, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ ngành Nông nghiệp và Môi trường. Tại đây, các chuyên gia nhận định: bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi là yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, quá trình này hiện vẫn đối mặt nhiều khó khăn, do thiếu hụt nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất xuống cấp và nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế.
Bà NGUYỄN GIANG THU
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ
Nếu không đầu tư cho hệ thống bảo tồn lạnh, công nghệ số hóa và cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, thì rất khó để nâng tầm chất lượng nguồn gene và đưa vào sản xuất giống quy mô lớn.
Bảo tồn nguồn gene vật nuôi không nên chỉ dừng ở việc lưu giữ, mà cần gắn liền với phát triển các giống đặc thù, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đây là hướng đi cần thiết để các giống bản địa không chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm hay trại giống, mà còn tham gia vào toàn chuỗi sản xuất, từ nhân giống, chăn nuôi, chế biến đến xây dựng thương hiệu.
Ông PHẠM KIM ĐĂNG
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y
Bảo tồn chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta gắn với khai thác giá trị. Nhật Bản có bò Wagyu, Hàn Quốc có Hanwoo – đều là giống bản địa được phát triển thành thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam cũng có những giống bò quý như bò Mông, bò Hơ, được quốc tế đánh giá cao, nhưng chúng ta vẫn chưa có chiến lược để phát triển thành sản phẩm đặc thù mang tầm thương hiệu quốc gia.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi Trường
Việt Nam là quốc gia sở hữu hệ sinh thái đa dạng, là nơi lưu giữ nhiều nguồn gene quý hiếm – đây chính là lợi thế chiến lược cần được khai thác đúng cách. Nếu đầu tư bài bản vào điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn gene, ngành chăn nuôi không chỉ giải bài toán đặc thù vùng miền mà còn tạo ra các sản phẩm đặc trị, giá trị cao, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh rằng bảo tồn nguồn gene không thể chỉ là trách nhiệm đơn lẻ của Nhà nước. Muốn phát huy hiệu quả, quá trình này cần có sự chung tay từ doanh nghiệp và người dân, thông qua các mô hình xã hội hóa. Đây không chỉ là giải pháp giảm tải cho ngân sách, mà còn mở ra cơ hội đưa nguồn gene quý vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.