Theo PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, việc cải tạo đất canh tác sầu riêng không thể thực hiện bằng các biện pháp đơn lẻ. “Chăm đất như chăm con người, cần một liệu trình tổng hợp và khoa học”, ông nhấn mạnh.
Do đó, quá trình cải tạo đất trồng cho cây sầu riêng bị suy thoái, bạc màu nên bắt đầu từ việc xác định được yếu tố giới hạn nhất. Bởi mỗi khu vườn có thể bị giới hạn bởi pH thấp, thiếu dinh dưỡng, vi sinh vật yếu hoặc tồn dư chất độc. Do đó, việc phân tích mẫu đất hoặc tìm đến các chuyên gia để được hướng dẫn, tư vấn là biện pháp chính xác để tìm ra “điểm nghẽn” lớn nhất trong quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, bà con nông dân có thể áp dụng các biện pháp tổng hợp đơn giản và ít tốn kém. Cụ thể, bà con có thể bón đa dạng phân bón hữu cơ khác nhau, nguồn vật liệu hữu cơ vào trong đất trồng sầu riêng. Hoặc bà con có thể trồng cây che phủ đất, nhất là cây họ đậu điển hình là cây đậu biển.

Việc phân tích mẫu đất hoặc tìm đến các chuyên gia để được tư vấn là biện pháp chính xác để tìm ra nguyên nhân sức khỏe đất trồng sầu riêng suy giảm. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng nước tinh vôi để tưới vào đất nhằm tăng pH; nuôi trùn hổ trong đất trồng sầu riêng; phun, tưới các chế phẩm sinh học giúp tăng sức khỏe cây và đất; sử dụng các thức ăn sạch, giàu dinh dưỡng, hữu cơ cho các sinh vật trong đất ăn để kích thích hoạt động; hạn chế cày xới xáo trộn đất.
Đặc biệt, quá trình cải tạo, nâng cao sức khỏe đất trồng sầu riêng, chuyên gia khuyến cáo bà con hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thay vào đó, bà con có thể dùng các chế phẩm sinh học, vi sinh.
Trường hợp sử dụng phân bón hóa học phải đảm bảo có sự kiểm soát, tuân thủ theo 4 đúng để hạn chế lưu tồn phân, thuốc trong trái sầu riêng.
Mục tiêu lớn nhất của việc ứng dụng các giải pháp tổng hợp trên là tăng mật số và tính đa dạng thành phần sinh học cho đất, bảo vệ cây trồng trước sức tấn công của sâu bệnh hại, tuyến trùng và các yếu tố bất lợi, phi sinh học khác như: mặn, khô hạn, phèn, kim loại nặng.
Đất thoái hóa hoặc mất cân bằng sinh học có thể ảnh hưởng lớn đến các tiến trình chuyển hóa, khoáng hóa và phóng thích, chuyển đổi dinh dưỡng trong đất. Đặc biệt đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến dư lượng vượt ngưỡng khi xuất khẩu sầu riêng.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa khẳng định, các biện pháp trên là giải pháp an toàn và tiết kiệm nhất để tăng sự hiện diện của nhiều nhóm vi sinh vật có lợi cho sức khỏe cây trồng, cung cấp dinh dưỡng, phòng trừ sinh học.

Nâng cao sức khỏe đất trồng sầu riêng là giải pháp thúc đẩy ngành phát triển bền vững. Ảnh: Kim Anh.
Được biết, hiện nay phòng thí nghiệm sinh học đất thuộc Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công nhiều chủng vi sinh vật bản địa có khả năng phân hủy thuốc bảo vệ thực vật, Paclobutrazol và kim loại nặng. Một số chủng còn có thể tổng hợp biosurfactant - một trong những chất hoạt động bề mặt sinh học, giúp kết tủa và cô lập độc tố trong đất.
Tuy vậy, để hệ vi sinh vật này phát huy hiệu quả, cần tạo điều kiện sống thích hợp cho chúng. Đó là lý do vì sao PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa khuyến cáo bà con nông dân nên “cho đất ăn” bằng các nguồn thực phẩm giàu hữu cơ như mật rỉ đường, bã đậu, bột cá, sữa thừa, rau quả… Tất cả đều giúp kích hoạt hệ sinh học trong đất một cách tự nhiên.
Một nguyên tắc quan trọng nữa trong canh tác sinh học là để “thiên nhiên làm việc”, tức bà con cần nuôi dưỡng đất, bảo vệ thiên địch, tạo hệ sinh thái cân bằng. Chỉ khi đó, cây sầu riêng mới có thể khỏe mạnh từ rễ đến trái. Hiểu đất, chọn giống, chăm cây bằng giải pháp sinh học, cải tạo bằng hữu cơ là tương lai của những vườn sầu riêng ở ĐBSCL.