“Vòng vây khói thuốc” quanh trường học
Dù đã có quy định rõ ràng về việc cấm bán thuốc lá trong phạm vi 100 m quanh khuôn viên trường học, nhưng theo khảo sát thực tế của nhóm học sinh mang tên “Chiến binh không khói” tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thuốc lá vẫn đang vô tư bủa vây các cổng trường một cách công khai và thường xuyên. Cuộc khảo sát không chỉ phản ánh những vi phạm hiện hữu, mà còn cho thấy sự thờ ơ đáng báo động trong việc thực thi pháp luật tại khu vực lẽ ra phải là không gian an toàn nhất cho trẻ em.
Ngay đối diện cổng chính của trường, một quán nước chè nhỏ tưởng chừng chỉ phục vụ nhu cầu giải khát đơn thuần nhưng thực tế lại là điểm bán thuốc lá. Những bao thuốc được xếp gọn gàng trên kệ, sẵn sàng phục vụ bất kỳ ai có nhu cầu. Đi kèm với đó là hình ảnh những người ông, người bố đang phì phèo điếu thuốc trong lúc chờ đón những đứa con, đứa cháu thân yêu của mình. Hành động này như một thói quen khó bỏ, vô tình tạo ra hình ảnh xấu trước mắt học sinh và vô tình bình thường hóa việc hút thuốc.

Những hình ảnh thường xuyên xuất hiện tại các quán nước gần cổng trường: Thuốc lá bày bán công khai, người hút cũng không ngần ngại. Ảnh: Nhóm Chiến binh không khói.
Rẽ sang bên trái từ cổng trường, một cửa hàng tạp hóa lớn với những bao thuốc lá được bày bán công khai, giao dịch thường xuyên như một mặt hàng tiêu dùng bình thường. Ngay cạnh đó, một quán nước nhỏ khác cũng không thiếu vắng hình ảnh những bao thuốc đặt trên kệ bàn.
Không dừng lại ở đó, phía bên phải trường, ngay trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, một quán tạp hóa vừa phục vụ đồ ăn vặt cho trẻ em lại đồng thời là nơi bán thuốc lá. Sự hiện diện song song giữa thức ăn cho học sinh và thuốc lá tại một điểm bán khiến bất kỳ ai cũng phải lo ngại.

Quán tạp hóa gần cổng trường cũng bày bán thuốc lá công khai. Ảnh: Nhóm Chiến binh không khói.
Cạnh đó là một quán nước gắn liền với tiệm sửa xe máy, nơi thường xuyên có học sinh lớn ngồi chờ nhau. Hình ảnh học sinh hút thuốc tại đây không còn xa lạ. Đáng chú ý, quanh khu vực chùa Khương Trung cách đó không xa còn có ít nhất 2 quán nước nữa, đều kinh doanh nước chè và thuốc lá. Tại đây, không chỉ đàn ông mà cả một số phụ nữ trung niên cũng hút thuốc công khai.
Sự tràn lan của thuốc lá quanh trường học cho thấy một thực trạng đáng buồn: quy định đã có, nhưng không ai thực hiện hoặc giám sát triệt để. Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ ràng rằng việc bán thuốc lá trong phạm vi 100 m tính từ ranh giới khuôn viên trường học là hành vi vi phạm và có thể bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại khu vực quanh Trường THCS Nguyễn Trãi khiến quy định ấy trở nên vô hiệu. Không một biển cấm, không một lần xử phạt, không một cơ quan quản lý địa phương nào đứng ra kiểm tra, nhắc nhở. Tình trạng này không chỉ khiến học sinh tiếp xúc gần với khói thuốc mỗi ngày mà còn tạo ra nguy cơ các em bị dụ dỗ, tò mò thử hút, đặc biệt khi thuốc lá được bán công khai với giá rẻ, dễ tiếp cận.
Điều đáng lo ngại hơn là những điểm bán này không phải là hiện tượng cá biệt mà mang tính hệ thống. Từ tạp hóa, văn phòng phẩm cho tới quán trà đá vỉa hè, thuốc lá đều có mặt, bất chấp khoảng cách địa lý rất gần với trường học. Chính sự dễ dãi trong quản lý và sự im lặng của cộng đồng đã góp phần nuôi dưỡng một "vòng vây khói thuốc" quanh trường học - nơi lẽ ra phải là không gian sạch sẽ và an toàn nhất để trẻ em phát triển toàn diện.
Những hình ảnh và dữ liệu mà các em học sinh trong nhóm “Chiến binh không khói” ghi nhận được đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách về sự vào cuộc thực chất từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường và các ban ngành liên quan.
Học sinh lên tiếng, cơ quan chức năng cần trả lời
Trong bối cảnh tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên tại Việt Nam ngày càng đáng báo động, việc áp dụng các giải pháp kinh tế, đặc biệt là tăng thuế thuốc lá, đang được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn làn sóng này ngay từ gốc.
Hiện tại, thuốc lá tại Việt Nam có mức giá rẻ bất ngờ so với nhiều quốc gia trong khu vực, trung bình chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng mỗi bao. Chính mức giá thấp này đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên - nhóm đối tượng có ngân sách hạn chế và khả năng nhận thức chưa đầy đủ - dễ dàng tiếp cận và dần hình thành thói quen sử dụng. Điều này được minh chứng rõ ràng qua kết quả Điều tra Toàn cầu về Hút thuốc lá ở Thanh niên (GYTS) năm 2019, cho thấy 22,3% học sinh nam trong độ tuổi từ 13 đến 15 đã từng thử hút thuốc lá. Trong đó, giá rẻ được xác định là một trong những yếu tố chính thúc đẩy hành vi thử nghiệm này.
Một nghiên cứu đáng chú ý của Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 2021 chỉ ra rằng khi giá thuốc lá tăng từ 15.000 lên 25.000 đồng/bao, có tới 38% người hút thuốc trong độ tuổi từ 15 đến 24 giảm tiêu thụ hoặc có ý định bỏ thuốc. Điều này càng làm rõ thêm nhận định rằng giới trẻ là nhóm đặc biệt nhạy cảm với các thay đổi về giá cả.
Thực tế, khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2022 tại các trường THCS và THPT cho thấy: có đến 60% học sinh được hỏi cho biết sẽ không mua thuốc lá nếu giá tăng gấp đôi. Đây là một tỷ lệ rất đáng khích lệ, cho thấy tiềm năng của việc sử dụng công cụ thuế như một "lá chắn kinh tế" nhằm đẩy thuốc lá ra khỏi tầm tay của thế hệ trẻ.
Các thành viên trong đội "Chiến binh Không Khói" cho biết, các em rất ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá. “Tăng giá thuốc lá sẽ giúp giảm lượng tiêu thụ. Đây không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là vũ khí sắc bén để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng em”, các em cho biết.

Những Chiến binh không khói của trường THCS Nguyễn Trãi. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Trãi.
Việt Nam không thiếu cơ sở để triển khai chính sách tăng thuế thuốc lá một cách mạnh mẽ và nhất quán. Thực tế từ các quốc gia như Thái Lan, Philippines hay Úc đã cho thấy tăng thuế là biện pháp hiệu quả hàng đầu trong kiểm soát tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt ở nhóm thanh thiếu niên. Điều quan trọng là cần có quyết tâm chính trị, sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và đặc biệt là sự đồng thuận của xã hội.
Nếu Việt Nam thực sự coi trọng sức khỏe của thế hệ tương lai và mong muốn chấm dứt tình trạng “thuốc lá bủa vây cổng trường” thì tăng thuế - làm cho thuốc lá trở nên “ngoài tầm với” - chính là giải pháp then chốt cần được thực thi có hệ thống và ngay lập tức.