| Hotline: 0983.970.780

Mức tăng thuế thuốc lá cần đủ lớn để kìm hãm tốc độ sử dụng

Thứ Sáu 09/05/2025 , 16:33 (GMT+7)

Mức tăng thuế thuốc lá cần đủ lớn và thực hiện lộ trình tăng thuế sớm nhất có thể, bắt đầu từ năm 2026 để kìm hãm tốc độ gia tăng sử dụng thuốc lá.

Thời gian qua, xoay quanh vấn đề tăng thuế thuốc lá, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên tăng thuế ở mức vừa phải và giãn lộ trình tăng thuế không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá với lộ trình chậm và mức tăng thuế suất thấp sẽ không đem lại tác động hiệu quả tới giảm tỷ lệ sử dụng cũng như số thu ngân sách.

Thuế thấp và lộ trình tăng thuế chậm

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Việt Nam cũng đã có 3 lần điều chỉnh và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào các năm 2008 (tăng từ 55% lên 65%), năm 2016 (tăng từ 65% lên 70%) và năm 2019 (tăng từ 70% lên 75%) với mức tăng thấp từ 5%-10% với mỗi lần tăng.

Nhìn chung các lần tăng thuế này đều có biên độ tăng khá nhỏ, tác động không đáng kể đến việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Cụ thể, theo số liệu của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, tiêu dùng chỉ giảm vào năm tăng thuế rồi tăng ngay trở lại vào các năm sau đó.

Tăng thuế thuốc lá với lộ trình chậm và mức tăng thuế suất thấp sẽ không đem lại tác động hiệu quả tới giảm tỷ lệ sử dụng cũng như số thu ngân sách. Ảnh: MH.

Tăng thuế thuốc lá với lộ trình chậm và mức tăng thuế suất thấp sẽ không đem lại tác động hiệu quả tới giảm tỷ lệ sử dụng cũng như số thu ngân sách. Ảnh: MH.

Ví dụ, năm 2006, Chính phủ điều chỉnh thuế 3 mức về 1 mức làm giảm tiêu thụ năm đó, nhưng năm 2007 tiêu thụ tăng trở lại. Năm 2008, tăng thuế từ 55% lên 65%, tiêu thụ giảm, nhưng đến năm 2009 thì lại tăng trở lại. Năm 2016 tăng thuế từ 65% lên 70%, tiêu thụ giảm một chút, rồi lại tăng ngay trở lại vào các năm 2017 và 2018. Năm 2019, tăng thuế từ 70% lên 75%, sản lượng tiêu thụ trong nước cũng giảm một chút trong năm nhưng tăng mạnh vào năm 2020 và 2021. Và trong vòng 15 năm qua, tổng sản lượng (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) vẫn đang gia tăng.

Những ví dụ trên cho thấy, số thu thuế đều tăng trong năm áp dụng tăng thuế, tuy nhiên mức tăng thuế khá khiêm tốn (số thu từ thuế thuốc lá tăng 1,200 tỷ đồng trong lần tăng thuế năm 2008, tăng thêm 1000 tỷ đồng trong lần tăng thuế năm 2016, và tăng 633 tỷ đồng trong lần tăng thuế năm 2019).

Do vậy, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng mức tăng thuế thuốc lá cần đủ lớn và lộ trình tăng thuế được thực hiện sớm nhất có thể, bắt đầu từ năm 2026 để kìm hãm tốc độ gia tăng sử dụng thuốc lá và đạt được các mục tiêu quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Sớm cải cách thuế thuốc lá

Thuế thấp và lộ trình tăng thuế chậm trong thời gian vừa qua đã khiến cho giá thuốc lá đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng. Theo phân tích của WHO dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến năm 2022, thu nhập đầu người tăng 203% (từ 31,5 triệu đồng lên 95,6 triệu đồng) trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất, Vinataba) chỉ tăng 56% (từ 14.000 đồng lên 21.900 đồng/bao).

Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” cho thấy năm 2000 người dân phải bỏ 11,43% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá Vinataba, thì đến năm 2021 chỉ cần bỏ ra 1,36% thu nhập.  Xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và tăng sức mua của thuốc lá  theo thời gian là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ và người nghèo. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có tác động giảm tiêu dùng hiệu quả.

Lực lượng chức năng phát hiện thuốc lá nhập lậu qua biên giới nước ta. Ảnh: ITN.

Lực lượng chức năng phát hiện thuốc lá nhập lậu qua biên giới nước ta. Ảnh: ITN.

WHO cho rằng tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao và xu hướng tiêu dùng gia tăng đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe. Chính vì vậy, cải cách thuế thuốc lá được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người.

WHO khuyến nghị Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với sản phẩm thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế theo tỷ lệ phần trăm hiện có, nhằm đạt các mục tiêu quốc gia về giảm tiêu thụ thuốc lá và tạo thêm nguồn thu ngân sách chính phủ.

Để đạt được điều này, thuế tuyệt đối nên được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể, nhưng không dưới 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Theo khuyến nghị của WHO, để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, Việt Nam cần áp dụng phương án tăng thuế mạnh hơn so với các phương án của Bộ Tài chính. Cụ thể, WHO và Bộ Y tế đề xuất áp dụng thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% hiện nay.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.