| Hotline: 0983.970.780

Khai mở cảm xúc để dễ dàng khai mở hạnh phúc

Thứ Tư 28/05/2025 , 15:33 (GMT+7)

Khai mở cảm xúc và khai mở hạnh phúc luôn song hành trên hành trình tìm kiếm giá trị sống, nhưng lại ít được con người chú ý như một kỹ năng.

Chuyên gia tâm lý Emma Hepburn.

Chuyên gia tâm lý Emma Hepburn.

Khai mở cảm xúc là cách khai mở chính mình. Khi đã biết khai mở cảm xúc thì cũng dễ dàng khai mở hạnh phúc. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, chuyên gia tâm lý Emma Hepburn đưa ra hai cuốn sách “Khai mở cảm xúc” (A toolkit for your emotions) và “Khai mở hạnh phúc” (A toolkit for happiness) có ý nghĩa như cẩm nang sống cho con người hiện đại.

Vì sao phải khai mở cảm xúc trong nhịp điệu xã hội ngột ngạt? Có một sự thật thú vị là chúng ta có nhiều từ để gọi các cảm xúc tiêu cực hơn cảm xúc tích cực. Dù có nhiều cách để gọi, con người luôn có xu hướng ít nói về cảm xúc tiêu cực, thậm chí là tránh né hoặc đẩy chúng ra xa. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu có một ngày con người không còn cảm xúc tiêu cực? Chính những cảm xúc không dễ chịu ấy lại là phần thiết yếu trong cơ chế sinh tồn của con người.

Nếu không còn lo lắng, con người sẽ không cân nhắc rủi ro. Nếu không biết sợ hãi, con người sẽ không tránh khỏi nguy hiểm. Nếu không còn mệt mỏi hay buồn đau, con người sẽ chẳng biết nghỉ ngơi khi bệnh tật đến, chẳng biết xót xa khi ai đó rời bỏ dương gian. Một thế giới không có cảm xúc tiêu cực sẽ là một thế giới mà con người thờ ơ trước nỗi đau, không biết đồng cảm, không biết yêu thương. Và lúc ấy, niềm vui cũng sẽ trở nên vô nghĩa bởi vì không có gì để so sánh nên thật khó để nhận ra cảm giác dễ chịu và hài lòng.

Tự thân cảm xúc không hề tốt hay xấu. Chúng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc con người. Chúng không chỉ đơn thuần là niềm vui hay nỗi buồn mà là vô vàn trạng thái giao thoa, đôi khi mâu thuẫn, đôi khi trộn lẫn đến mức chính ta cũng không gọi tên được. Bất kể hình hài nào, cảm xúc luôn mang một vai trò không thể thay thế, đó là giúp con người tồn tại, cảm nhận, phản ứng và kết nối. Khi con người cố gắng phủ nhận một cảm xúc tiêu cực, đồng nghĩa với việc đang chối từ chính mình. Và chính hành vi này mới thật sự khiến con người kiệt sức, xa rời hạnh phúc.

Chuyên gia tâm lý Emma Hepburn ví đời sống cảm xúc như một chuyến tàu lượn siêu tốc – có lúc lên vút tận trời xanh, có khi rơi tự do không phanh. Và mỗi người đều có chuyến tàu riêng, vận hành theo những ký ức, trải nghiệm, tổn thương và bản chất độc nhất của mình. Con người không thể điều khiển hoàn toàn đường ray, nhưng có thể học cách ngồi vững vàng hơn trong những khúc cua nghiêng ngả. Điều quan trọng là sự thấu hiểu và sự đồng hành với từng cảm xúc, kể cả những cảm xúc khó chịu như giận dữ, lo âu, thất vọng, buồn bã. Khi con người đủ dịu dàng và kiên nhẫn, cảm xúc sẽ trở thành người bạn đáng tin cậy thay vì kẻ thù khiến con người chệch hướng.

Khai mở cảm xúc để cảm xúc là nhân vật trung tâm trong câu chuyện của mỗi cá nhân, chứ không chỉ là tình tiết nhỏ hay một dòng phụ chú. Phân định và tiếp nhận thế nào với cảm xúc của mình rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc cả đời. Một khi hiểu được cảm xúc, con người sẽ có thể đưa ra những quyết định phù hợp cho những điều quan trọng, giúp giải quyết những tác nhân gây căng thẳng mà cuộc sống ném vào con đường đang đi và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Có thể thấy, khai mở cảm xúc là một phần quan trọng để con người khai mở hạnh phúc. Tuy nhiên có phải chỉ cần khai mở được cảm xúc thì con người sẽ mãi mãi hạnh phúc, sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ nữa không? Rất tiếc, câu trả lời là không. Chuyên gia tâm lý Emma Hepburn khẳng định: “Sẽ cực kỳ đạo đức giả nếu vờ như mình lúc nào cũng hạnh phúc. Tệ hơn nữa, việc đó sẽ củng cố thêm cho những lầm tưởng về hạnh phúc vẫn rì rầm xung quanh ta, ăn sâu vào niềm tin, suy nghĩ và hành vi của ta”.

Ngẫm lại, có vẻ lâu nay chúng ta vẫn thường tiếp xúc với những quan điểm có phần sai lầm về hạnh phúc. Lúc nhỏ, ta đọc những câu chuyện cổ tích với đoạn kết “họ hạnh phúc mãi mãi về sau”. Lớn lên, ta lại nghe nói, hạnh phúc là một điểm đến mà ta không thấy đau khổ hay thất vọng nữa. Những lầm tưởng về hạnh phúc xuất hiện nhan nhản trong các thông điệp mà chúng ta tiếp nhận từ xã hội: từ quảng cáo, phương tiện truyền thông cho đến những câu chuyện kể, những dòng chia sẻ trên mạng xã hội… Và chính những điều này đã ảnh hưởng đến cách ta nghĩ về hạnh phúc và cách ta cố gắng để có được hạnh phúc.

Có một khẩu hiệu mà đám đông luôn cổ vũ: hãy mua sắm nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, được thăng chức, bận rộn, luôn luôn vui vẻ, đạt được nhiều thành tựu hơn và nhất định không bao giờ được thất bại. Nếu hiện tại bạn đã làm được tất cả những điều đó thì hãy phấn đấu nhiều hơn nữa. Trớ trêu thay, việc phấn đấu để đạt được những điều này thường không khiến chúng ta hạnh phúc, mà ngay cả khi thật sự làm được, hầu như chúng ta cũng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.

Bộ sách 'Khai mở cảm xúc' và 'Khai mở hạnh phúc'.

Bộ sách "Khai mở cảm xúc" và "Khai mở hạnh phúc".

Chuyên gia tâm lý Emma Hepburn chọn cách mô tả hạnh phúc như một chiếc bánh kẹp mà chúng ta ăn hàng ngày. Phần đế là những điều căn bản ta thường bỏ quên như ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, uống đủ nước, không gian an toàn để thở… Lớp nhân là những điều mang lại niềm vui, cảm hứng, ý nghĩa sống. Mỗi người khác nhau sẽ có phần nhân khác biệt. Lớp bánh kẹp trên cùng là niềm tin của chúng ta. Lớp bánh này tuy mỏng manh nhưng chi phối toàn bộ khẩu vị của chiếc bánh: nếu ta tin rằng hạnh phúc là phải trọn vẹn và kéo dài mãi mãi, ta sẽ luôn thấy mình thiếu hụt; nhưng nếu ta hiểu rằng hạnh phúc là những khoảnh khắc nhỏ bé kết nối với chính mình và người khác, ta sẽ không còn mải miết tìm kiếm nó nữa.

Suy cho cùng, “hạnh phúc không phải là đích đến, nó chỉ là một nơi mà bạn ghé thăm trên đường đời” như Giáo sư Dan Gilbert đã từng nói. Thay vì kiếm tìm một đoạn kết hạnh phúc mãi mãi, ta có thể tận hưởng hạnh phúc trong những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng sâu sắc. Đó có thể là cảm giác yên lòng khi ở cạnh người mình thương. Là một sớm mai mở mắt ra và thấy mình vẫn còn sống, còn có cơ hội để yêu và sai. Là được ngồi dưới hiên nhà trong một buổi chiều gió mát mà không phải làm gì. Hoặc có đôi khi, hạnh phúc chỉ đơn giản là lúc ta không còn bị những bất an giằng xé trong lòng.

Xem thêm
Thuốc giảm cân có thể ngăn ngừa ung thư liên quan đến béo phì

Nghiên cứu mới ở Hoa Kỳ cho thấy nhóm thuốc GLP-1 không chỉ giảm cân mà còn làm giảm nguy cơ ung thư liên quan đến béo phì, đặc biệt ở nữ giới.

Sản nghiệp riêng sa sút làm sao góp tài sản chung hôn nhân?

Sản nghiệp riêng của mỗi người luôn là một yếu tố đáng cân nhắc kỹ lưỡng, khi mong muốn có được cuộc hôn nhân thực sự xứng đôi vừa lứa.

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Bình luận mới nhất