Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa qua, phát biểu về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cho rằng: Việt Nam hiện có số người hút thuốc lá cao, gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật. Tình trạng này tạo áp lực lớn cho ngành y tế, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi, thể trạng người Việt trong tương lai.
Theo Đại biểu, để kiểm soát tốt việc quản lý và đạt mục tiêu giảm tác hại của thuốc lá, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất nhằm giảm tiêu dùng, qua đó góp phần giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với chiến lược quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An). Ảnh: Media Quốc hôi
Với những lý do trên, Đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo luật về việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. “Đây là bước đi đúng đắn, cần thiết và cấp bách nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, nhất là trong giới trẻ; thể hiện rõ quan điểm lấy sức khỏe của người dân làm trung tâm trong hoạch định chính sách; đồng thời phù hợp với cam kết quốc tế, khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và xu hướng chung trong khu vực,” Đại biểu chia sẻ.
Đồng thời, việc tăng thuế không nhằm gây khó khăn cho ngành sản xuất mà là một chiến lược toàn diện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng cường trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững.
Điều 8 dự thảo luật đưa ra mức thuế suất đối với thuốc lá là 75% và áp dụng theo lộ trình tăng dần, kết hợp giữa thuế suất tỷ lệ và thuế tuyệt đối. Cụ thể: ít nhất 2.000 đồng/bao vào năm 2027 và tăng dần đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2031.
Theo Đại biểu, mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đối với thuốc lá ở nước ta còn thấp so với khuyến nghị của WHO và so với các nước trong khu vực ASEAN. Trên thị trường hiện có tới 40.000 nhãn hiệu thuốc lá, giá bán lẻ phổ biến dưới 10.000 đồng/bao (20 điếu), thậm chí có những nhãn chỉ khoảng 8.000 đồng/bao.
Do đó, Đại biểu cho rằng với mức giá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp, người mới hút thuốc, thậm chí cả trẻ em và trẻ vị thành niên cũng dễ tiếp cận. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ngay từ đầu năm 2026, theo mức khuyến nghị của WHO: đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao và thuế tỷ lệ là 75%.
Để thực hiện nội dung này, Đại biểu đề xuất ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể lộ trình tăng thuế tuyệt đối từ năm 2026 đến 2030, theo từng năm. Đồng thời, điều chỉnh mức thuế định kỳ 2 năm/lần theo tỷ lệ lạm phát để duy trì sức mua thực tế, và ban hành quy định giá bán lẻ tối thiểu có thuế do Nhà nước xác định.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên khẳng định: chỉ khi làm như vậy, chính sách thuế mới có thể giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đúng theo mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Kiến nghị này cũng phù hợp với xu hướng, chính sách quốc tế của WHO và kinh nghiệm thành công từ nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả trong thực thi chính sách thuế, Đại biểu đề nghị kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu thuốc lá, gian lận thương mại và thất thu thuế – đặc biệt tại các khu vực biên giới. Nếu không có sự giám sát nghiêm ngặt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể vô tình thúc đẩy buôn lậu, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và gây bất ổn thị trường nội địa.
Vì vậy, Đại biểu đề xuất rằng bên cạnh chính sách tăng thuế, cần triển khai mạnh các biện pháp kiểm soát thị trường, đặc biệt là thiết lập cơ chế kiểm soát liên ngành đồng bộ và xử lý nghiêm hàng lậu để đảm bảo mục tiêu kép: vừa tăng thu ngân sách, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. “Mỗi năm, chi phí điều trị lên tới 108.000 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí cho các chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá hiện còn rất hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế,” Đại biểu nói.
Đại biểu cho rằng, tăng thuế thuốc lá không chỉ là một quyết định kinh tế, mà còn là một lựa chọn về sức khỏe cộng đồng, về tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam và chất lượng giống nòi. Vì vậy, Đại biểu tin tưởng rằng với tầm nhìn và trách nhiệm, Ban soạn thảo sẽ có những điều chỉnh cần thiết trong lần sửa đổi Luật này, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển bền vững đất nước, và hướng tới một kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.